Kbang: Khai mạc Ngày hội du lịch năm 2022
Tối 29-7, UBND huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức lễ khai mạc Ngày hội du lịch năm 2022 tại Quảng trường huyện. Ngày hội diễn ra đến ngày 31-7 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Tỉnh ủy Kon Tum, TP. Kon Tum; lãnh đạo các huyện: Phù Mỹ, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo người dân.
Ngay sau phần giới thiệu về quê hương, tiềm năng du lịch Kbang, đại biểu, du khách cùng đông đảo người dân được hòa mình cùng âm nhạc sôi động trong chương trình nghệ thuật do Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, lực lượng cộng tác viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện, các ca sĩ, nghệ nhân và diễn viên đến từ tỉnh Bình Định và các xã, thị trấn trong huyện biểu diễn.
Hơn 80 nghệ nhân và nghệ sĩ đã đem đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn, ca ngợi đất và người Kbang như: Kbang đất thắm tình người, Ngày hội mùa Kbang, Yàng ơi, Kbang miền bạn đến. Cùng với đó là trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện. Hòa chung không khí nhộn nhịp của buổi lễ, các đại biểu còn được đắm mình trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng và cùng nhau thưởng thức hương vị thơm nồng của rượu cần.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho biết: Kbang có diện tích tự nhiên rộng, phong phú về tài nguyên rừng với hệ sinh thái động thực vật quý hiếm. Địa phương nằm trong tiểu vùng sinh thái Đông Trường Sơn, khí hậu nhiệt đới ẩm, mát mẻ quanh năm; có nhiều cảnh quan thiên nhiên như: ghềnh, suối, thác, núi đồi đẹp hoang sơ, thơ mộng. Bên cạnh đó, huyện có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời; nằm trong Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo-nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào thế kỷ XVIII. Đồng thời, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Kbang là căn cứ địa của cách mạng-nơi Anh hùng Núp đứng lên chống Pháp và trong thời kỳ chống Mỹ, Kbang là nơi đứng chân của các lực lượng kháng chiến và cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai.
Theo chiều dài lịch sử, mảnh đất Kbang đã hội tụ 21 dân tộc anh em đoàn kết cùng sinh sống, với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, những năm qua, lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc trong huyện tích cực xây dựng quê hương Kbang ngày càng giàu đẹp, kinh tế-xã hội có bước phát triển đáng kể và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới.
Thực hiện kế hoạch của tỉnh “Về phát triển du lịch cụm huyện, thị xã An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro giai đoạn 2019-2023”, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với phát triển dịch vụ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thời gian qua, Kbang đã tích cực giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư, phát triển du lịch và bước đầu đã mang lại kết quả đáng kể. Bình quân mỗi năm có trên 5.000 lượt khách tham quan; riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã có trên 3.000 lượt khách tham quan, dã ngoại tại các điểm du lịch trên địa bàn.
“Quý khách sẽ được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang rộn ràng, sâu lắng giữa núi rừng-một “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”; được thưởng thức các giai điệu múa, hát, độc tấu, hòa tấu của các loại nhạc cụ các dân tộc; xem trình diễn trang phục truyền thống đa sắc màu các dân tộc trên địa bàn huyện; trải nghiệm thực tế các môn thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số, các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật độc đáo; tìm hiểu các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên của huyện như: Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Làng kháng chiến Stơr, vườn mít, cánh đồng Cô Hầu, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, thác 50, thác Kon Bông… Đến với ngày hội, quý khách còn được tham gia hội chợ thương mại-nơi trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thống; các sản phẩm nông sản thực phẩm và thủ công mỹ nghệ; ẩm thực đặc trưng của các địa phương”-ông Dũng nhấn mạnh.
NGỌC MINH