Kbang: Tiết kiệm kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng sau sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố
Sáng 20-9, đoàn giám sát do ông Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tại huyện Kbang.
Theo báo cáo, trong 2 năm (năm 2018 và 2019) thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, huyện đã tiền hành rà soát các thôn, làng, tổ dân phố không đủ điều kiện về quy mô dân số theo quy định để sắp xếp, sáp nhập. Đến nay, toàn huyện còn 110 thôn, làng, tổ dân phố, giảm 57 thôn, làng, tổ dân phố; giảm 456 người hoạt động không chuyên trách tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố còn 880 người (trước khi sáp nhập 1.336 người).
Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố, huyện tiết kiệm kinh phí được hơn 5,8 tỷ đồng. Từ nguồn tiết kiệm địa phương đã hỗ trợ 223 người với tổng kinh phí hơn 631 triệu đồng.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo UBND huyện Kbang, đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan của huyện và UBND thị trấn Kbang đã nêu những thuận lợi, khó khăn và bất cập trong quán trình sắp xếp, sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thanh Bình đánh giá cao công tác thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố của địa phương. Việc sáp nhập đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của người dân, bộ máy tinh gọn, hiệu quả công việc được nâng lên; nhất là các thủ tục giấy tờ liên quan được huyện giải quyết rất tốt.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thanh Bình yêu cầu, huyện quan tâm đến đội ngũ cán bộ, nhất là các đồng chí bí thư kiêm tổ trưởng, trưởng thôn; quan tâm đến cơ sở vật chất sau sáp nhập. Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm đến phương thức hoạt động đối với những thôn, làng sau khi sáp nhập mà có sự khác biệt về bản sắc văn hóa dân tộc và khoảng cách.
Liên quan đến những bất cập trong sáp nhập, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thanh Bình lưu ý: Sau này, nếu huyện có sáp nhập thôn, làng thì ngay từ bây giờ phải nghiên cứu tên gọi thôn, làng sao cho hợp lý; khoảng cách giữa các thôn, làng quá xa thì có nên sáp nhập không; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần rà soát xem có gì chưa phù hợp, vướng mắc thì điều chỉnh…