KBank (Thái Lan) đàm phán mua lại công ty cho vay tiêu dùng của Việt Nam với giá 1 tỷ USD

Ngân hàng Kasikorn (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan, đang đàm phán để mua lại nhà cung cấp tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thương vụ này có thể lên tới 1 tỷ USD, đánh dấu bước đi quan trọng nhằm mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Theo dữ liệu Refinitiv, ngân hàng KBank đang tích cực theo đuổi chiến lược đưa mình trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam về tài sản vào năm 2027. Tổng tài sản của KBank lên tới 119,7 tỷ USD, trở thành ngân hàng lớn thứ hai ở Thái Lan, chỉ sau BangkokBank.

KBank kỳ vọng trở thành 1 trong 20 ngân hàng hàng đầu Việt Nam về quy mô tài sản vào năm 2027.

KBank kỳ vọng trở thành 1 trong 20 ngân hàng hàng đầu Việt Nam về quy mô tài sản vào năm 2027.

Diễn biến này diễn ra vào thời điểm các ngân hàng Việt Nam đang phải vật lộn với những thách thức do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng và buộc phải giảm lãi suất trên diện rộng.

Nếu việc mua lại này thành hiện thực, nó sẽ minh chứng cho xu hướng hợp nhất đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính của châu Á. Động thái này của KBank sẽ trở thành thương vụ mua bán và sáp nhập lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam năm nay, sau thương vụ bán cổ phần trị giá 1,5 tỷ USD tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng cho Sumitomo Mitsui của Nhật Bản vào tháng 3.

Các nguồn tin cho biết KBank đã bắt đầu thảo luận với các cố vấn tài chính để tìm hiểu tính khả thi của việc mua lại. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Một nguồn tin của Reuters nhấn mạnh rằng KBank hiện đang vận hành giải pháp KBank Biz Loan, dịch vụ tín dụng dành cho cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Thỏa thuận tiềm năng với Home Credit sẽ cho phép nâng cao năng lực của ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ.

KBank và Home Credit Group vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters về vấn đề này.

Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu người, đang có lợi thế bởi sự gia tăng nhanh chóng về nhân khẩu học trong độ tuổi lao động. Đáng chú ý, KBank ước tính rằng hơn 69% dân số không có tài khoản ngân hàng, đây là con số cao nhất ở châu Á.

Vào tháng 6, KBank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2,5 lần, từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD (hơn 6.500 tỷ đồng). Động thái này đã củng cố vị thế là ngân hàng nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chiến lược của mình, KBank đặt mục tiêu đạt thu nhập ròng 400 triệu USD, với dư nợ cho vay tổng cộng 5,13 tỷ USD và cơ sở khách hàng là 8,4 triệu tại Việt Nam vào năm 2027.

Home Credit Việt Nam, công ty con của tổ chức tài chính phi ngân hàng Home Credit Group có trụ sở tại Hà Lan, bắt đầu hoạt động tại Đông Nam Á vào năm 2008. Kể từ đó, công ty đã có sự tăng trưởng đáng kể, tuyển dụng 6.000 nhân viên và phục vụ 12 triệu khách hàng.

Các dịch vụ của công ty bao gồm cung cấp các khoản vay tiền mặt cũng như các khoản vay trả góp để mua xe máy và hàng tiêu dùng. Phạm vi tiếp cận rộng rãi của công ty bao gồm 9.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam, theo trang web chính thức của công ty.

Đáng chú ý, Home Credit Group nằm dưới sự kiểm soát của PPF, tập đoàn đầu tư lớn nhất Cộng hòa Séc do cố tỷ phú Petr Kellner thành lập. Tập đoàn đã báo cáo khoản lỗ lớn hơn trong nửa đầu năm 2022, chủ yếu là do tác động của việc thoái vốn khỏi các hoạt động ở Nga.

Mỹ Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/kbank-lpar-thai-lan-rpar-dam-phan-mua-lai-cong-ty-cho-vay-tieu-dung-cua-viet-nam-voi-gia-1-ty-usd-1094838.html