KBSV: Lãi tiền gửi có thể tăng 0,7-1 điểm % từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay đi ngang
Sau khi tiếp tục giảm trong quý đầu tiên, bước sang tháng 4, lãi suất huy động đã chứng kiến sự nhích tăng nhẹ khoảng 20-30 điểm tại một số ngân hàng thương mại, chủ yếu ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. KBSV dự báo lãi suất huy động có thể tăng 70-100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm.
Đến sáng ngày 7/5, đã có 13/27 ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất huy động so với đầu tháng 4 và 3/27 ngân hàng giảm lãi suất. Những ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khoảng tháng vừa qua bao gồm: Kienlongbank, BacABank, NCB, TPBank, Techcombank, VIB, VPBank, Sacombank, Eximbank, SHB, SeaBank, MSB và BVBank. Trước đó, vào tháng 4, chỉ có 5/27 ngân hàng tăng lãi suất so với đầu tháng 3, trong khi 15 ngân hàng hạ lãi suất.
Dữ liệu tổng hợp từ WiChart cho thấy lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm các NHTM lớn (gồm MB, ACB, Techcombank, VPBank) đang ở mức 4,45%/năm, tăng 0,1 điểm % so với mức đáy ghi nhận vào cuối tháng 3. Lãi suất huy động của nhóm NHTM khác cũng tăng 0,26 điểm % so với đáy, lên mức 4,65%/năm. Chỉ có lãi suất của nhóm Big4 vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Theo nhận định của Chứng khoán KB (KBSV), nguyên nhân chính khiến các NHTM tăng lãi suất huy động trở lại, hầu hết tập trung vào các kỳ hạn ngắn, mức tăng từ 20-30 điểm cơ bản là do nền lãi suất liên ngân hàng tăng lên, cộng với thanh khoản hệ thống bớt dồi dào.
Cụ thể, trong tháng 4, thanh khoản hệ thống chịu nhiều áp lực và NHNN đã phải bơm ròng gần 240 nghìn tỷ thông qua hoạt động thị trường mở, đưa trạng thái OMO sang bơm ròng lũy kế khoảng 66 nghìn tỷ tại thời điểm ngày 26/4. Đồng thời, NHNN cũng tăng lãi suất OMO để định hướng nâng nền lãi suất liên ngân hàng lên, từ đó giảm chênh lệch lãi suất VND-USD.
Lãi suất liên ngân hàng trong tháng 4 theo đó đã tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất qua đêm từ mức 0,1% cuối tháng 3 leo lên mức đỉnh 4,9% vào ngày 17/4, sau đó hạ nhiệt và duy trì quanh vùng 4,4% trong tuần cuối tháng.
Nhóm phân tích KBSV dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 4-5% trong thời gian tới để hạn chế đầu cơ USD, ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh đó, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng 70-100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục.
KBSV đồng thời cho rằng mức dự báo tăng như vậy của lãi suất huy động vẫn trong chừng mực kiểm soát và chưa thể tác động làm tăng lãi suất cho vay.
“Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, vốn là ưu tiên của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại”, nhóm phân tích nhận định.
Tương tự KBSV, nhiều tổ chức phân tích trong thời gian qua cũng dự báo lãi suất huy động sẽ nhích tăng về cuối năm.
Chẳng hạn trong báo cáo mới nhất về Thị trường tiền tệ tháng 4, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.
Cùng ý kiến với KBSV, các chuyên gia MBS cũng cho rằng lãi suất cho vay vẫn sẽ duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NHTM nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Các chuyên gia từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao về cuối năm nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VND, qua đó phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực.
Mức tăng nếu có, theo VCBS sẽ không quá lớn (khoảng 50-100 điểm cơ bản) khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến (tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/4/2024 đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%) và do đó khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.