KBSV: VPBank sẽ không sử dụng hết tín dụng được cấp trong năm nay
KBSV giảm dự phóng tăng trưởng tín dụng tại VPBank xuống còn 19,5% trong năm 2022, phản ánh kỳ vọng vào việc ngân hàng này sẽ đẩy mạnh quản trị rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn.
Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) mới đây, Chứng khoán KBSV cho biết, nhiều khả năng VPBank sẽ không sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng được cấp.
Theo KBSV, mặc dù tổng dư nợ tăng trưởng tối đa cho năm 2022 được cấp cho VPBank là 26,2%, tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, VPBank sẽ thận trọng giải ngân, đề cao quản trị rủi ro dựa trên các yếu tố tiêu cực, thị trường trái phiếu, bất động sản cùng với mức lãi suất tăng cao gây rủi ro phát sinh tới nợ xấu.
Tăng trưởng tín dụng quý III/2022 đạt 15,6%
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 tại VPBank ghi nhận, dư nợ tín dụng tại ngân hàng tăng 26,7% so với cùng kỳ và tăng 15,1% so với hồi đầu năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ đạt 15,1% và riêng FECredit đạt 15,2%.
KBSV cho rằng, mức tăng này không thực sự ấn tượng trong bối cảnh vốn tăng mạnh, chủ yếu do VPBank chỉ được cấp thêm 0,7% room tăng trưởng trong lần nới room đợt 1.
Tại quý III/2022, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này đạt 5,02%, giảm 0,24% so với quý trước. Trong đó, nợ nhóm 3 và nhóm 4 lần lượt giảm 0,08% và 0,3% so với quý trước. Chất lượng tài sản của ngân hàng mẹ cũng được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu đạt 2,65%, giảm 0,19% so với quý trước.
Trong kỳ, VPBank trích lập dự phòng 5.423 tỷ đồng, giảm 2,9% so với quý trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, riêng ngân hàng mẹ trích lập 1.831 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất đạt 62%, tăng 0,03% so với quý trước.
Khoản nợ tái cơ cấu tại quý III/2022 của nhà băng này đạt 6.100 tỷ đồng, tương đương 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nhóm khách hàng nắm giữ 86,6% tổng dư nợ tái cơ cấu đang duy trì thanh toán bình thường sau khi được hỗ trợ.
Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 - 2023
Trước nhận định về việc VPBank sẽ thận trọng trong việc giải ngân, KBSV đã điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng tín dụng tại VPBank từ 23% xuống còn 19,5% trong năm 2022. Điều này phản ánh kỳ vọng vào việc ngân hàng này sẽ đẩy mạnh quản trị rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều diễn biến tiêu cực.
Đối với năm 2023, chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này sẽ đạt 19% trước các áp lực tương tự tiếp tục diễn ra.
Về biên lãi thuần (NIM) tại VPBank, theo ước tính của KBSV, NIM ngân hàng năm 2022 sẽ giảm 0,08% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt 7,65%, phản ánh lãi suất đầu vào bình quân tăng do các điều chỉnh chính sách từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, lãi suất bình quân đầu ra cũng sẽ tăng nhẹ nhờ đẩy mạnh tín dụng trong giai đoạn cuối năm vào nhóm cá nhân và doanh nghiệp SME.
Cho năm 2023, NIM tại VPBank tiếp tục giảm 0,1% do áp lực tăng lãi suất huy động để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, KBSV nhận định.
Về chi phí trích lập dự phòng rủi ro, đối với năm 2022 - 2023, chuyên gia nhận định ngân hàng sẽ tăng 2,2% và 7,4% so với năm trước, lần lượt đạt 19.309 tỷ đồng và 20.846 tỷ đồng cho trích lập.
Trước các kết quả kinh doanh trên, KBSV kỳ vọng, trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế tại ngân hàng mẹ VPBank sẽ đạt 19.309 tỷ đồng, tăng 73,1% so với cùng kỳ.