Kể chuyện Bác Hồ qua mỗi trang thơ
Bác Hồ từ lâu luôn là đề tài có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Đã có hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là ở lĩnh vực thơ ca ra đời góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
* Hình ảnh Bác gần gũi, giản dị
Ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào, cảm hứng và chủ đề về Bác vẫn luôn dạt dào trong trái tim mỗi tác giả, nhà thơ. Tác giả thơ trẻ Hạnh Vân (giáo viên Trường THPT Vĩnh Cửu, H.Vĩnh Cửu) cũng vậy.
Cô Hạnh Vân cho biết, tình yêu, sự kính trọng đối với Bác là mạch nguồn cho sự sáng tạo của cô. Vì thế, thơ viết về Bác của cô luôn mang tính chân thực, giản dị và khái quát cao. Mỗi bài thơ khắc họa bằng một nét riêng, không có sự trùng lặp khô khan. Cô cố gắng lồng ghép những câu chuyện kể về Bác trong thơ qua các bài: Hoa khoai lang trong vườn nhà Bác, Hoa râm bụt trên đồi ATK, Đài Kỷ niệm trong trang viết của Bác, Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ lá dây buông...
Sáng 8-9 (tức 21-7 âm lịch), Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 51 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh (21-7 năm Kỷ Dậu - 21-7 năm Canh Tý). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động của lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng, tiết kiệm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.
Ở Hạnh Vân, người đọc còn bắt gặp một tâm hồn biết lắng nghe quá khứ, “nhìn thấu” nỗi lòng trong những tác phẩm của Người. Câu chuyện về Đài Kỷ niệm trong trang viết của Bác được cô Hạnh Vân kể đầy cảm xúc: “Đài Kỷ niệm Biên Hòa không phải là bia đá lặng câm/ Đó là nỗi đau/ Là chứng nhân tội ác/ Là vết thương sâu nhói trong lòng Bác/ Là tiếng trống oai hùng gọi dân tộc vùng lên/ Để hôm nay trong nắng mới bình yên/ Lời của Bác được khắc in vào đá”.
Tác giả Đặng Thị Mỹ Tú (KP.10, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) may mắn có nhiều lần về thăm quê Bác. Ấn tượng về đời sống, sự dung dị hay những hình ảnh của Bác sáng suốt dẫn dắt cách mạng Việt Nam, luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân hiện lên giản dị, ấm áp trong các sáng tác thơ ca của chị. Bởi thế, chị Mỹ Tú dành nhiều thời gian, tâm huyết sáng tác về Bác Hồ kính yêu.
Với bài thơ Mênh mông tình Bác, tác giả Mỹ Tú “gói ghém” tất cả tấm lòng của mình, nguyện một lòng theo Người: “Con nghe như Bác dặn lời/Núi, rừng, sông, suối, biển, trời của ta/ Yêu từng ngọn cỏ, nhành hoa/ Biển là máu đỏ, đất là thịt xương/ Một tấc biển cũng không nhường/Dù nơi hải đảo biên cương xa vời/ Nguyện lòng theo Bác trọn đời/ Xứng danh con cháu giống nòi Việt Nam”.
Viết về Bác, tác giả Lê Thị Thanh Bình (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã có những quan sát tinh tế để phát hiện: “Đồng Nai trên khắp miền quê/ Nghe lời Bác dạy tràn trề niềm tin/ Trồng cây xanh mượt lớn lên/ Chào mừng sinh nhật Bác thêm vui lòng” (Trồng cây nhớ ơn Bác). Người hiện lên thật giản dị mà cao cả, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo: “Có Bác có Đảng tuyệt vời/ Cứu dân cứu nước qua thời tối tăm/ Gương Bác sống mãi vạn năm/ Cho con cháu nhớ học chăm theo người” (Bác ơi).
Theo tác giả Thanh Bình, những sáng tác gần đây của chị không chỉ dựa vào cảm xúc mà còn là quá trình tìm kiếm tư liệu, tham khảo sách báo về Bác. Thi thoảng chị cũng đến những địa điểm lịch sử có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác để lấy cảm hứng sáng tác. “Chính sự quan tâm, chăm lo của Người với mọi tầng lớp nhân dân; tình cảm yêu quý của Người với văn nghệ sĩ, với bộ đội, công nhân, nông dân hay các em thiếu nhi… là những câu chuyện có sức lay động, thôi thúc tôi sáng tác” - tác giả Thanh Bình chia sẻ.
* Mạch nguồn sáng tạo xuyên suốt
Nhiều người làm thơ thường nói rằng, viết về Bác thì dễ nhưng để có bài thơ hay thì rất khó, phải viết mới, viết khác và có sự chọn lọc. Năm tháng có thể cuốn trôi đi tất cả nhưng những tình cảm cao quý của con người Việt Nam dành cho Bác thì không được phép quên, không thể nào quên. Bởi vậy, làm thơ phải viết bằng sự rung cảm chân thành, sâu sắc, tình yêu với Bác dào dạt trong tim thì tác phẩm mới đủ sức lay động, thuyết phục lòng người.
“Thơ viết về Bác luôn hướng người đọc đến với những giá trị nhân văn cao đẹp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang tiến hành cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi hy vọng rằng, những câu chuyện đẹp về Bác sẽ luôn lan tỏa ở trong thơ ca Đồng Nai. Từ đó, giúp mỗi người chúng ta có thêm sức mạnh vươn lên, sống và làm tốt hơn những điều Bác dạy” - tác giả thơ Nguyễn Quốc Hoàn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chia sẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng những hình ảnh, câu chuyện, bài học, lời căn dặn của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là các tác giả, nhà thơ. Chắc chắn, những sáng tác thơ ca về Bác sẽ tiếp tục được tìm tòi, khám phá và dày lên theo năm tháng, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người; không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.