'Kể chuyện Bác Hồ', tác phẩm rất kì công của Nghệ sĩ -Nhà báo Trần Mạnh Thường
Tôi có may mắn và cảm thấy hạnh phúc được nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Mạnh Thường trao cho tập bản thảo cuốn sách 'Kể chuyện Bác Hồ'. Cuốn sách với 29 tác phẩm báo chí rất phong phú, đa dạng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Người cũng là một công dân giản dị, bình thường, một chính khách hiếm hoi được nhân loại tiến bộ trên thế giới ngưỡng mộ, kính trọng. Dưới hình thức kể chuyện, tác giả cung cấp ngồn ngộn nguồn thông tin, tư liệu chuẩn xác, nhiều nội dung có tính phát hiện khá mới mẻ của tác giả tạo nên sức thuyết phục, hấp dẫn, khiến người đọc hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về trí tuệ, sự mẫn tiệp, nhân cách, bản lĩnh, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Mạnh Thường
Trần Mạnh Thường là một nhiếp ảnh gia, một nhà báo nổi tiếng trong nước và khá ấn tượng với bạn bè quốc tế. Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông tạo dựng lên một di sản khá “đồ sộ” với những thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh, báo chí và nghiên cứu khoa học. Về sự nghiệp nhiếp ảnh, ông vừa trải ra, vừa gói vào 12 đầu sách không những là ảnh thông tấn, ảnh nghệ thuật mà nhiều cuốn sách mang tính lí luận đề cập kiến thức cơ bản về công nghệ và kĩ năng nhiếp ảnh, lịch sử nhiếp ảnh thế giới, trong nước, nhiếp ảnh gắn với cuộc sống. Ông cũng cho xuất bản 11 cuốn sách khác viết rất công phu về Khoa học - Kĩ thuật và Văn học nghệ thuât. Nổi bật là các tác phẩm giới thiệu những di sản nổi tiểng thế giới, những sự kiện nổi bật, các danh nhân nổi tiếng thế giới, những thành phố nổi tiếng thế giới, những địa danh lịch sử nổi tiếng thế giới, những kiệt tác văn chương thế giới, rồi Việt Nam Văn hóa và Du lịch, v.v…Ông cũng biên soạn các bộ sách “Đại tưởng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam” rất công phu. Gần đây, ông xuất bản cuốn sách ảnh lớn “Trên những nẻo đường tôi qua” bằng song ngữ Việt – Anh với hàng trăm bức ảnh nghệ thuật chụp được ở mấy chục quốc gia, vùng lãnh thổ ông từng đặt chân đến. Bộ sách này là điểm nhấn về sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Qua 25 tác phẩm để đời, tự nó nói lên Trần Mạnh Thường không chỉ là Nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, ông còn là một nhà báo xông xáo, lăn xả vào cuộc sống, gắn bó với chiến trường và thương trường, bôn ba trong nước và nước ngoài. Mặt khác, ông còn thể hiện là một nhà nghiên cứu khoa học về đời sống xã hội và văn hóa, nghệ thuật.
“Kể chuyện Bác Hồ” với 29 tác phẩm chứa đựng muôn vàn thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Trên các diễn đàn, công chúng thường biết đến Giáo sư Hoàng Chí Bảo, người kể chuyện rất có duyên, có sức hút trước đông đảo quần chúng thông qua những mẩu chuyện rất cảm động, sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự giản dị, trong sáng của Bác. Trong “Kể chuyện Bác Hồ”, ngoài bài “Hành trình đi tìm đường cứu nước” giới thiệu tóm tắt tiểu sử của Bác trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài, còn là các bài viết sinh động, chân thực có nhiều thông tin trùng khớp với Giáo sư Hoàng Chí Bảo song lại có rất nhiều sự kiện, tư liệu, mẩu chuyện về Bác Hồ qua sự tìm tòi, khám phá, nghiên cứu của Trần Mạnh Thường (nhất là những mẩu chuyện về Bác ở nước ngoài) khá độc đáo, có phần phát hiện dung dị, chân thật. Câu chuyện về cái bản của Bác ở khách sạn Omini Parker House thành phố Boston (Hoa Kỳ) những năm 1011-1913, Bác Hồ là thợ làm bánh mì ở đây. Chiếc bàn đó trở thành kỉ vật hiếm hoi, vô cùng quý giá của khách sạn này (trong bài “Có một “người thợ” làm bánh như thế!). Tiếp đến là những tác phẩm kể chuyện về Bác sống, hoạt động ở nước Anh trong bài “Dấu chân Nguyễn Tất Thành ở xứ sở sương mù”, rồi đến các dấu chân “Bác Hồ trên đất Pháp”, “trên đất nước Lenine”; Ở Thái lan “Có một thời Thầu Chín - Sư Hạnh Đa “, “Thầu Chín từng hoạt động cách mạng tại Lào”; câu chuyện tác giả kể về “Vị ân nhân của Bác Hồ” (mang danh Tống Văn Sơ) ở Hồng Kông được luật sư Loseby cưu mang, cứu thoát khỏi bàn tay thực dân Anh để trở về Liên Xô hoạt động; rồi những mẩu chuyện Bác hoạt động ở Trung Quốc, Người để lại tập thơ “Nhật kí trong tù” là bấu vật quốc gia, đến chuyện “Bác Hồ cứu phi công Mỹ”, chuyện “Bác với cố vấn Vĩnh Thụy” (vua Bảo Đại), chuyện “Cụ Huỳnh Thúc Kháng, người bạn tri kỉ của Bác Hồ”, từ chuyện Người sang thăm nước Pháp (1946), chuyện Bác Hồ “đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Mỹ”, chuyện “Bác thăm lại nhà sàn sau 50 năm xa cách”, chuyện về “Đôi dép Bác Hồ, Bác đi tự thưở chiến khu Bác về”, chuyện “Đêm 30 Tết Bác đi thăm người nghèo”, chuyện “Những người con nuôi của Bác”, Bác học ngoại ngữ, chuyện “Bữa ăn của Bác”, chuyện Bác tập thể dục, thể thao, đên chuyện “Tết trồng cây nhớ Bác”, hay câu chuyện Bác viết Di chúc (“Tài liệu tuyệt đối bí mật”), chuyện “Bác với văn nghệ sĩ, nhà báo”, v.v…Và vì thế mà xuất hiện “Tượng đài Bác Hồ trên khắp hành tinh”,v.v…
Tác giả đề cập sự kiện UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/1990). Theo nghị quyết số 24C/18.65 của UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, khẳng định Người là “Một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội”, là “hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”,v.v…
Trong đời sống chính trị đất nước, việc thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vẫn diễn ra hàng ngày trong Đảng và toàn dân là một sinh hoạt có ý nghĩa chiến lược. Chỉ thị nêu rõ: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cuốn sách “Kể chuyện Bác Hồ” của nghệ sĩ, nhà báo Trần Mạnh Thường là một đóng góp vào sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa chiến lược này. Bằng những câu chuyện cảm động, vô cùng sâu sắc về cuộc đời của Bác, sự nghiệp của Bác sẽ toát lên tư tưởng, đạo đức và phong cách cao thượng mà bình dị của Người. Đó là cách học và làm theo giản đơn như chân lí, dễ học, dễ vận dụng theo tấm gương vĩ đại Hồ Chí Mịnh, một “con người như chân lí sinh ra”.