Kể chuyện Bắc Kạn bằng trái tim người nghệ sĩ
BBK- Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT Bắc Kạn kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã thu hút đông đảo nghệ sĩ tham gia. Qua trang viết, khung hình, lời ca, họ kể câu chuyện về Bắc Kạn hôm nay với tình yêu, niềm tự hào và khát vọng sáng tạo.

Đồng chí Lưu Ngọc Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trao giải A cho tác giả Ngô Đức Mích.
Những tác phẩm văn học, nghệ thuật có quy mô, tầm vóc và giá trị tư tưởng sâu sắc, trường tồn trong lòng công chúng luôn là khát vọng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Đây cũng chính là mục tiêu mà Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Kạn hướng tới khi phát động Cuộc vận độngsáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật Bắc Kạn (gọi tắt là Cuộc vận động).

BTC trao giải cho các tác giả đạt giải B.
Vì vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động được thực hiện nghiêm túc, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ ở nhiều độ tuổi, dân tộc, vùng miền. Chỉ trong vòng một năm, hơn 330 tác phẩm thuộc các chuyên ngành Truyện ngắn, Bút ký - Ghi chép, Nhiếp ảnh, Thơ, Âm nhạc đã gửi về tham dự. Không chỉ có những hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn, nhiều tác giả là thành viên của các hội chuyên ngành Trung ương và cộng tác viên từ khắp các tỉnh thành như Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng góp mặt, mang theo những góc nhìn phong phú về Bắc Kạn.
Tại lễ tổng kết và trao giải, các tác giả bày tỏ niềm vui khi những “đứa con tinh thần” của mình được ghi nhận. Hơn thế, đây còn là động lực mạnh mẽ để văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân và sáng tạo.

Chùm tác phẩm "Múa bát" của tác giả Ngô Đức Mích.
Nổi bật trong các chuyên ngành tham dự, Nhiếp ảnh chiếm số lượng áp đảo với hơn 200 tác phẩm. Từ những khung hình, thiên nhiên và con người Bắc Kạn hiện lên sinh động và giàu sức hút: Hồ Ba Bể xanh thẳm giữa đại ngàn, những lễ hội truyền thống ngập tràn sắc màu, những nụ cười tỏa sáng của đồng bào vùng cao…
Tác giả Ngô Đức Mích đã xuất sắc đoạt giải A với chùm ảnh Lễ hội bên Hồ Ba Bể và Múa bát. Nhìn những bức ảnh ấy, người ta như nghe thấy tiếng cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng, như cảm nhận được từng bước chân nhún nhảy trong điệu múa truyền thống. Tác giả chia sẻ: “Ngay khi cuộc vận động được phát động, tôi và anh em nhiếp ảnh đã rất hào hứng. Bắc Kạn có quá nhiều chất liệu để sáng tác, mỗi bức ảnh không chỉ là một khoảnh khắc, mà còn là một câu chuyện về con người và vùng đất này”.
Tác giả Ngô Đức Mích chia sẻ về các tác phẩm đạt giải.
Cùng với các tác giả trong tỉnh, Cuộc vận động đã thu hút những nghệ sĩ nhiếp ảnh từ các tỉnh bạn. Những cái tên như Bùi Khắc Thiện, Âu Ngọc Ninh (Thái Nguyên), Đoàn Việt Hưng (Bắc Giang) đã góp phần mang đến những góc nhìn mới mẻ về Bắc Kạn.

Tác phẩm Lễ hội bên hồ Ba Bể của tác giả Ngô Đức Mích.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm tham gia cuộc vận động đều bám sát chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”. Dù chất lượng tác phẩm có sự chênh lệch, nhưng tựu chung đều phản ánh và tôn vinh những thành tựu, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc vùng đất và con người Bắc Kạn; đồng thời thể hiện tinh thần, khí thế của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua từng tác phẩm, hình ảnh Bắc Kạn hôm nay giàu lòng yêu nước, yêu quê hương và đậm đà bản sắc dân tộc, hiện lên sinh động, cho thấy sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của địa phương trên hành trình đi lên.
Bên cạnh nhiếp ảnh, các tác phẩm văn học cũng để lại dấu ấn sâu sắc. Nguyễn Thùy Tiên, một cây bút đến từ Lai Châu, đã vượt gần 600km để tham dự lễ trao giải. Truyện ngắn "Dưới chân núi Pác Ngòi" của chị đã giành giải B, mang đến một góc nhìn nhẹ nhàng, dung dị về cuộc sống và con người bên hồ Ba Bể.
Tác giả Thùy Tiên chia sẻ về cảm xúc khi nhận được giải thưởng.
Ông Dương Văn Phong, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn, người đã đồng hành từ những ngày đầu phát động Cuộc vận động, đánh giá cao sự đầu tư của các tác giả đối với các tác phẩm. “Cuộc vận động lần này không chỉ là một sự kiện văn học nghệ thuật mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển của quê hương. Qua từng trang viết, từng khung hình, từng giai điệu, Bắc Kạn hiện lên với tất cả vẻ đẹp và sức sống của mình”, ông Dương Văn Phong nhận định.

Ông Dương Văn Phong, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn chụp ảnh cùng các tác giả ngoài tỉnh đạt giải tại Cuộc vận động.
Kết thúc Cuộc vận động, Ban tổ chức đã trao 1 giải A, 5 giải B, 9 giải C và 9 giải Khuyến khích cho những tác phẩm xuất sắc nhất. Cuộc vận động đã góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết. Dù ở bất kỳ thể loại nào, mỗi tác phẩm đều là một cách kể chuyện về Bắc Kạn, về đất nước, về con người Việt Nam trên hành trình đi tới tương lai.
Tác giả Vân Du bày tỏ mong muốn thông qua cuộc vận động và các tác phẩm sẽ truyền tải đến người trẻ về việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa.
Triển lãm để lại những dấu ấn bền bỉ hơn cả những giải thưởng hay những buổi lễ trang trọng. Đó là sự tiếp nối một dòng chảy sáng tạo âm thầm, bền bỉ, là những bước chân nghệ sĩ in dấu trên từng thửa ruộng, triền núi của Bắc Kạn. Dẫu còn đó những trăn trở về chất lượng, số lượng tác phẩm, nhưng hơn hết, cuộc vận động đã khơi dậy tình yêu quê hương trong từng câu chữ, giai điệu, hình ảnh. Và những hạt mầm ấy, sẽ còn tiếp tục nảy nở, lớn lên, nối dài hành trình làm đẹp cho Bắc Kạn, cho đất nước bằng nghệ thuật.../.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ke-chuyen-bac-kan-bang-trai-tim-nguoi-nghe-si-post70547.html