Kể chuyện cách mạng qua 'lăng kính' mới

Vở nhạc kịch 'Café bánh mì' là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Cùng với việc tái hiện không khí sục sôi của một giai đoạn lịch sử hào hùng và tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm còn là biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trích đoạn từ vở nhạc kịch "Café bánh mì" của Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Trích đoạn từ vở nhạc kịch "Café bánh mì" của Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Ngợi ca cách mạng và Bác Hồ bằng nhạc kịch

Là một đơn vị nghệ thuật hàng đầu, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Kịch Việt Nam quyết tâm huy động nguồn lực sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, đóng góp vào dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước, trong đó có vở nhạc kịch “Café bánh mì” hợp tác với Công ty TNHH Metaforce Việt Nam và các nghệ sĩ Hàn Quốc. Theo NSƯT Kiều Minh Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng lãnh tụ vĩ đại đã in đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Tôn vinh, tri ân Người và cách mạng giải phóng dân tộc là vinh dự và cũng là sứ mệnh của những người làm văn học, nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng.

“Việc phối hợp dàn dựng vở nhạc kịch “Café bánh mì” là một hoạt động đặc biệt, thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm lan tỏa thông điệp về văn hóa, con người và lịch sử của hai nước thông qua những hình ảnh và ngôn ngữ sân khấu, từ đó nâng cao mối quan hệ của hai quốc gia trong giao lưu, hợp tác nghệ thuật, góp phần đưa đến cho công chúng những vở diễn mang thông điệp tốt đẹp, thực sự ý nghĩa” - NSƯT Kiều Minh Hiếu nhấn mạnh.

“Café bánh mì” được dàn dựng từ kịch bản gốc của tác giả Seo Sang Wan với sự hợp tác hoàn thiện của tác giả Lê Trinh; đạo diễn Cho Joon Hui cùng NSND Hoàng Lâm Tùng dàn dựng. Vở nhạc kịch có bối cảnh xã hội chân thực về đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đầy đau thương và ca ngợi những người dân yêu nước. Tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết, để từ đó giành độc lập tự do và khẳng định ý chí quật cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và vị lãnh tụ kính yêu của đất nước được thể hiện qua lăng kính mới - ngôn ngữ nhạc kịch với sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc. Dự kiến, “Café bánh mì” sẽ công diễn vào tối 15-8 tại Nhà hát Ngôi Sao (Hà Nội), hứa hẹn mang đến trải nghiệm nghệ thuật hiện đại với âm nhạc, vũ đạo và ngôn ngữ sân khấu đa phương tiện.

Thôi thúc sáng tạo nghệ thuật

Đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng, sự say mê sáng tạo của văn nghệ sĩ cũng như đơn vị nghệ thuật Việt Nam. Nhưng đề tài này trở nên mới mẻ hơn, đầy tính khám phá, hội nhập khi có sự tham gia hợp tác của ê kíp nghệ sĩ Hàn Quốc.

Chia sẻ về cơ duyên thực hiện vở diễn, đạo diễn Cho Joon Hui cho biết, chính tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” - cũng thấm đẫm trong lịch sử Hàn Quốc - đã thôi thúc ông thực hiện tác phẩm này. Trong quá trình tìm tòi sáng tạo, ông đọc thông tin về việc năm 2025 Việt Nam tổ chức kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, đồng thời nhận được kịch bản “Café bánh mì” từ tác giả Seo Sang Wan và Giám đốc nghệ thuật Park Hyun Woo. Ngay lập tức, ông quyết định hợp tác đưa vở diễn lên sân khấu Việt Nam bằng hình thức nhạc kịch.

Về tên gọi vở nhạc kịch, đạo diễn Cho Joon Hui lý giải: “Café và bánh mì là những món ăn, đồ uống nổi tiếng ở Việt Nam và tôi tin nó giống người dân nơi đây - những con người bình dị nhưng giàu tinh thần yêu nước. Tôi đặc biệt xúc động khi thấy người dân gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác như một người thân trong gia đình. Vì thế, tôi muốn dùng âm nhạc để thể hiện sự tri ân, lan tỏa tinh thần của Bác qua những con người bình thường, những anh hùng vô danh”. Vở diễn không đi theo lối khắc họa một chân dung trung tâm mà lan tỏa tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua từng nhân vật, từng lát cắt đời sống, như một bản hợp xướng của lòng dân.

Đồng hành cùng đạo diễn Cho Joon Hui, tác giả kịch bản Seo Sang Wan chia sẻ: “Cảm hứng viết nên tác phẩm này đến từ sự khâm phục ý chí quật cường của người dân Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây không chỉ là câu chuyện của Việt Nam mà là hành trình tìm kiếm tự do, điều mà mọi dân tộc đều có thể đồng cảm”.

Là một đơn vị nghệ thuật kịch nói truyền thống nên việc thực hiện một tác phẩm nhạc kịch là thách thức lớn với Nhà hát Kịch Việt Nam. NSƯT Nông Dũng Nam, trợ lý đạo diễn đồng thời đảm nhận một vai diễn trong tác phẩm chia sẻ: “Nhạc kịch yêu cầu nghệ sĩ phải ca hát, biểu diễn hình thể, nhảy múa, diễn xuất đồng thời - điều không hề dễ dàng với chúng tôi. Nhưng ai cũng nỗ lực, từ luyện thanh, tập vũ đạo đến làm việc cùng chuyên gia quốc tế. Đây là cơ hội quý giá để học hỏi phương pháp dàn dựng chuyên nghiệp và tiệm cận với sân khấu quốc tế”.

Chính tinh thần cầu thị và quyết tâm đổi mới ấy đã thuyết phục được đối tác Hàn Quốc. Đạo diễn Cho Joon Hui bày tỏ: “Tôi có niềm tin lớn về tương lai của nhạc kịch tại Việt Nam. Các nghệ sĩ có tài năng, sự nhạy bén và ham học hỏi. Nếu được đầu tư đúng hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển loại hình này thành một mũi nhọn mới trong nghệ thuật biểu diễn”.

Không chỉ là sản phẩm nghệ thuật hợp tác, “Café bánh mì” còn đánh dấu bước tiến đáng kể trong hành trình đưa sân khấu Việt ra thế giới. Dự kiến sau khi công diễn tại Việt Nam, vở diễn sẽ được giới thiệu tại Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản... Việc Nhà hát Kịch Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật dám thử sức với những loại hình ngoài sở trường cho thấy tinh thần đổi mới, sáng tạo đang thấm dần vào tư duy nghệ thuật đương đại.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ke-chuyen-cach-mang-qua-lang-kinh-moi-710609.html