Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi 'Miền ký ức'.
Triển lãm vừa được khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trong những ngày cuối tháng 3 đã trở nên ý nghĩa hơn khi trùng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế và 49 năm thống nhất đất nước.
Họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên, sinh năm 1950 ở Mê Linh, Vĩnh Phúc. Cậu bé Nguyên từ nhỏ mồ cô cha mẹ và được gửi vào trại mồ côi Kim Đồng ở Chương Mỹ, Hà Nội. Ông từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1971) và sau đó là cao đẳng Mỹ thuật Huế (1984).
Những năm tháng tuổi trẻ, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là một trong những cán bộ văn hóa được tăng cường vào công tác tại đặc khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chính những năm tháng sống ở “vùng đất lửa” này, bằng niềm đam mệ nghệ thuật và góc nhìn chân thật của mình, ông đã ký họa hàng trăm tác phẩm về cuộc sống của chiến sĩ, đồng bào, tái hiện chân thực và sâu sắc năm tháng lịch sử hào hùng của một thời chiến tranh.
Ở đó, ông đã phác họa cuộc sống đời thường của người dân ở vùng giải phóng, những chiến sĩ miệt mài tập luyện trên thao trường hay đang trực chiến, giúp người dân khám, chữa bệnh. Đâu đó là khung cảnh bình yên ở đảo Cồn Cỏ, cảnh đóng thuyền và mùa cá bội thu… Những bức ký họa bằng bút bi, bút chì và màu nước của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên dù đã trải qua hơn 50 năm, nhưng khi đưa đến với công chúng nó như một thước phim quay chậm, đưa người xem chậm rãi lật lại từng trang nhật ký theo cách riêng vô cùng độc đáo. Tất cả tạo nên một bộ phim đầy cảm xúc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về sức mạnh đoàn kết, tinh thần anh dũng, vượt gian khổ, hy sinh của quân và dân Bình Trị Thiên để làm nên những chiến công vang dội.
Xem tranh, mới thấy được năng lượng dồi dào cũng như vượt qua vô vàn gian khổ của cuộc chiến, ông không chỉ làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa mà còn tận hiến với đam mê và cái cách ông lưu giữ những tác phẩm ấy thành tư liệu, bộ nhật ký bằng tranh quý hiếm.
Với hơn 130 tác phẩm triển lãm, bao gồm một số sáng tác về đề tài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi quê hương, đất nước (được sáng tác ở giai đoạn sau bằng các chất liệu sơn dầu, sơn khắc, acrylic), họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên bảo rằng, phần nhiều lần đầu tiên được ông công bố. Và đó gần như là những tác phẩm mà ông tâm đắc trong sự nghiệp sáng tác của mình.
“Thật lòng mà nói tôi chỉ biết vẽ, còn ít khi nghĩ sẽ làm triển lãm. May sao gần đây nhờ kết nối được với Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế - cũng chính là cơ quan tôi từng công tác trước khi nghỉ hưu, được các anh chị nơi này hỗ trợ để làm trưng bày, giới thiệu đến mọi người nên vui lắm”, họa sĩ Nguyên chia sẻ. Cũng trong hôm khai mạc, vị họa sĩ dành hơn một nửa cuộc đời sống ở Huế đã quyết định tặng lại toàn bộ số tranh này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế - như một cách gửi gắm những đứa con tinh thần của mình đến địa chỉ uy tín, cũng là lời cảm ơn với vùng đất mà ông đã chọn làm quê hương thứ hai.
Bà Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho biết, hôm tiếp nhận những tác phẩm từ họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã vô cùng xúc động trước tài năng, sự cống hiến và cái cách ông muốn lưu giữ lại cho mai sau. Chiêm ngưỡng những bức ký họa với nét chì, màu nước đã ố vàng, sẫm màu theo thời gian càng làm rung động lòng người bởi những tác phẩm đó bước ra từ thực tế của cuộc chiến tranh hơn nửa thế kỷ trước, trên từng trang giấy còn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, và cả máu của đồng bào, chiến sĩ.
“Đó là những tác phẩm mỹ thuật đong đầy cảm xúc, trở thành nguồn tư liệu quý về lịch sử, nghệ thuật. Xem tranh giúp chúng ta hồi tưởng những năm tháng hào hùng của dân tộc, sự hy sinh và cống hiến lớn lạo của các thế hệ cha anh làm nên mùa xuân độc lập, thống nhất của dân tộc. Đó còn là thông điệp quý giá gửi đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng cống hiến”, bà Chi trải lòng và khẳng định càng trân trọng hơn những giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ, giá trị tinh thần mà họa sĩ đã đem lại cho chúng ta ngày hôm nay.