Kể chuyện 'ngoại giao vắc-xin'
Ngoại giao vắc-xin đã đóng góp quan trọng vào việc sớm đẩy lùi dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ nhằm đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vắc-xin, thành lập Quỹ Vắc-xin, thành lập Tổ ngoại giao vắc-xin, song song tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Khẩn trương, thần tốc
Với chủ trương "bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết" và yêu cầu cấp bách về phòng chống đại dịch Covid-19, ngày 13-8-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin. Tiếp sau đó, hầu hết các cuộc làm việc đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến hợp tác về vắc-xin cũng như tiếp cận nguồn vắc-xin của các đối tác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc điện đàm với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo nhiều quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam để vận động, tìm kiếm nguồn vắc-xin.
Thời điểm đầu năm 2021, không chỉ với Việt Nam mà vấn đề tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu là vô cùng khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nếu như thế giới cần 11 tỉ liều để đạt được trạng thái gần như miễn dịch cộng đồng thì năng lực sản xuất lúc đó mới chỉ được khoảng 4,5 tỉ liều. Chính vì thế, tình trạng khan hiếm vắc-xin ngừa Covid-19 đặt ra với tất cả các nước. Bởi vậy, Tổ công tác của Chính phủ đã triển khai công tác vận động ngoại giao vắc-xin hết sức khẩn trương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19, Việt Nam đã tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương thông qua nhiều tổ chức quốc tế, như cơ chế COVAX, đồng thời đẩy mạnh cơ chế vận động ngoại giao trong nước để đàm phán mua vắc-xin từ các nhà sản xuất nước ngoài. Song song đó, thông qua mạng lưới cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất, không chỉ vắc-xin mà còn thuốc đặc trị, cũng như các trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân trước làn sóng của đợt dịch thứ 4.
Với những nỗ lực ngoại giao, Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác như AstraZeneca, Pfizer, Covax Facility...
Chuyện "hậu trường" ở Mỹ, Anh...
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đến nay, hầu hết đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vắc-xin cùng nhiều trang thiết bị y tế trực tiếp phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19.
Trong đó, đến giữa tháng 12-2021, Mỹ đã trao tặng Việt Nam hơn 24 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 và cam kết sẽ còn nhiều lô hàng được gửi tới trong tương lai để hợp tác cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết trong quá trình triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt, Đại sứ quán đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo cấp cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan trong nước. Đồng thời, được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ. Nhiều cá nhân, tổ chức người Việt tại Mỹ đã có những nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc thúc đẩy tiếp cận các nguồn vắc-xin, thuốc điều trị và vật tư y tế của nước sở tại.
Đại sứ Hà Kim Ngọc tiết lộ phía Mỹ coi vắc-xin là vấn đề thuộc an ninh quốc gia nên quản lý rất chặt từ khâu sản xuất, phân phối cũng như cung ứng cho các nước khác. Thời gian đầu, Đại sứ quán đã triển khai vận động nhiều nguồn từ các bang và các cấp địa phương, các tổ chức từ thiện, hiệp hội, công ty môi giới, cá nhân có liên quan... song không có nguồn nào mang lại kết quả. "Nguyên nhân là do chính sách quản lý thống nhất của Mỹ. Các chủ thể trên không được phép giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài, kể cả khi họ có nguồn vắc-xin dôi dư; mọi nguồn cung ứng vắc-xin cho các nước đều qua đầu mối duy nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ" - Đại sứ Hà Kim Ngọc kể lại.
Các công ty dược phẩm chuyên sản xuất, cung cấp vắc-xin của Mỹ như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson cũng như các công ty đang thử nghiệm vắc-xin giai đoạn II, III đều có quy định rất chặt chẽ là chỉ ký hợp đồng cung cấp vắc-xin thông qua kênh chính phủ các nước hoặc qua cơ chế COVAX, tuyệt đối không làm việc với các công ty tư nhân hoặc công ty môi giới.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết ngoại giao vắc-xin đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, được triển khai thần tốc trong hoạt động của sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Đại sứ quán đã vận động, thúc đẩy thành công để Công ty AstraZeneca (Anh) bàn giao sớm hợp đồng mua vắc-xin trong bối cảnh dịch ở Việt Nam đang bùng phát mạnh. Dù nguồn cung vắc-xin còn khan hiếm trên toàn cầu, Việt Nam đã được ưu tiên bàn giao đủ 10 triệu liều trong tháng 8-2021 và đã tăng số lượng cung ứng trong các tháng 9, 10 để bảo đảm hết tháng 12-2021 bàn giao đủ 30 triệu liều mà Việt Nam đã đặt mua, kết thúc trước thời hạn bàn giao là quý I/2022.
Việt Nam cũng đã vận động thành công chính phủ Anh viện trợ 415.000 liều vắc-xin Oxford/AstraZeneca, ưu tiên trao tặng ngay trong đợt thứ nhất khi chính phủ Anh triển khai gói viện trợ song phương tới 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh vào tháng 11-2021, Công ty AstraZeneca đã ký hợp đồng bán 25 triệu liều vắc-xin thế hệ mới cho Việt Nam, đồng thời sẵn sàng ký dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid 19 tại Việt Nam. Đây là kết quả mang tính đột phá và cũng là vấn đề chiến lược về y tế vừa phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.
"Thực tiễn cho thấy thông qua ngoại giao vắc-xin, đến nay nước ta đã tiếp nhận lượng lớn vắc-xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Liên tục nhận tin vui
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo rất quyết liệt để tăng tốc tìm kiếm nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoại giao được coi là nhiệm vụ cấp bách và được quyết liệt triển khai. Cho đến nay, có thể khẳng định chiến dịch tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp mang tính chất tiên quyết để đưa TP HCM và cả nước sớm vượt qua sự khốc liệt của đỉnh dịch và tình trạng "đóng băng" mọi hoạt động.
"Đặc biệt, việc bao phủ vắc-xin ở nước ta đang được thực hiện theo nguyên tắc công bằng, tức là không phân biệt đối tượng. Mọi người đều bình đẳng và công bằng trong tiếp cận vắc-xin nhưng chúng ta vẫn phải đặt nguyên tắc ưu tiên những đối tượng tham gia tuyến đầu chống dịch, những khu vực trọng điểm về dịch nhằm phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Chính chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc đã quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, tại từng thời điểm, Bộ Y tế liên tục đề nghị các địa phương phải tăng tốc tiêm chủng, đồng thời từ tháng 12-2021 triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn.
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong thời gian tới, nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 vẫn thường trực, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới và trong nước tiếp tục có các ca bệnh trong cộng đồng. Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch Covid-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Với phương châm "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất", do đó tỉ lệ tiêm vắc-xin chính là yếu tố quyết định để "thích ứng an toàn có kiểm soát" trong trạng thái "bình thường mới".
Đến thời điểm này, những tin vui về vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn dồn dập đổ về. Bộ Y tế cho biết với số lượng vắc-xin đã ký cung ứng, thông qua cơ chế COVAX hỗ trợ và các nguồn khác, Việt Nam đã có đủ vắc-xin tiêm đủ 2 liều cho người 18 tuổi trở lên, cho trẻ 12-17 tuổi và tiêm đủ mũi nhắc lại cho người trưởng thành. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đàm phán, tiếp cận nguồn vắc-xin tiêm cho trẻ 5-11 tuổi để chủ động nguồn vắc-xin tiêm cho trẻ em sau khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Áp lực, căng thẳng
Công tác "ngoại giao vắc-xin" không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, mà các sứ quán đã gặp không ít khó khăn, căng thẳng trong quá trình vận động, triển khai.
Thứ nhất, đó là áp lực chạy đua với thời gian, thúc đẩy để mang được các liều vắc-xin về Việt Nam sớm nhất, với số lượng nhiều nhất có thể trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam bùng phát mạnh kể từ tháng 5-2021.
Thứ hai, đó là yêu cầu phải phân tích và đánh giá đúng tình hình, hiệu quả vắc-xin để có kiến nghị phù hợp về chủng loại và số lượng mua.
Thứ ba, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp do kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được nằm trong danh sách ưu tiên phân phối vắc-xin của Anh và một vài nước khác.
Thứ tư, trong thời gian đầu, các nước cùng khó khăn, khan hiếm nguồn cung, nhiều nước đã đặt mua vắc-xin từ sớm nên đều đẩy mạnh vận động chính phủ và các đối tác sớm giao hàng.
Thứ năm, chính phủ Anh cũng như các đối tác đều cam kết viện trợ vắc-xin qua kênh COVAX, bảo đảm minh bạch trong việc phân phối nên việc Việt Nam vận động để sớm có được vắc-xin cung ứng trong nước là điều hết sức tế nhị.
"Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh tốt đẹp như hiện nay. Sự hỗ trợ của chính phủ Anh là minh chứng cho mối quan hệ "Đối tác chiến lược" đang phát triển tốt đẹp, mang ý nghĩa bao trùm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong hơn 10 năm qua, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước cùng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu trên tinh thần "Không một ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn" - Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
"Ngoại giao vắc-xin" - yếu tố then chốt để hoàn thành mục tiêu chiến lược phủ vắc-xin ngừa Covid-19 trên 80% dân số.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ke-chuyen-ngoai-giao-vac-xin-20220129222937615.htm