'Kể chuyện' phòng chống dịch bệnh bằng nhiều cách

Truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học không chỉ góp phần phòng chống dịch bệnh mà còn hướng đến việc hình thành các hành vi, thói quen tốt cho sức khỏe. Đội ngũ nhân viên y tế trường học tại TP Tuy Hòa có cách truyền thông linh hoạt, mang lại hiệu quả.

Nhân viên y tế cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ biểu diễn tiểu phẩm truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại trường. Ảnh: CTV

Nhân viên y tế cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ biểu diễn tiểu phẩm truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại trường. Ảnh: CTV

Đưa kiến thức phòng bệnh đến với học sinh

Đón con sau khi tan học, một người mẹ ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) ngạc nhiên khi nghe con nói về việc phải ngủ trong màn và thường xuyên diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Hỏi ra mới biết, Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân - nơi con chị đang học - vừa tổ chức truyền thông phòng chống dịch bệnh này. Hoạt động truyền thông có hình ảnh trực quan nên các cô cậu học trò nhỏ khá hào hứng.

Trước đó, tại Trường THPT Nguyễn Huệ, hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết được tổ chức một cách sinh động, sáng tạo thông qua tiểu phẩm và phần hỏi đáp, giúp hơn 1.700 học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Cách truyền thông này không chỉ truyền tải thông điệp phòng bệnh mà còn khuyến khích các em học sinh tham gia thảo luận và thực hành các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Buổi truyền thông có hơn 40 nhân viên y tế từ các trường trên địa bàn TP Tuy Hòa tham dự. Họ tham khảo cách làm hay và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các biện pháp truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại trường.

Y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Phương Thảo, nhân viên y tế Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: “Các em học sinh khó có thể ngồi yên để nghe mình đọc một bài dài. Mình phải truyền thông bằng âm thanh, hình ảnh, phải sân khấu hóa thì mới thu hút các em”.

Mỗi tháng một chủ đề, tùy vào tình hình học tập của học sinh mà Phương Thảo chọn hình thức truyền thông phù hợp. Vào những thời điểm thích hợp, chị Phương Thảo sẽ viết kịch, sau đó chọn một số học sinh có năng khiếu diễn xuất để dàn dựng tiểu phẩm và biểu diễn trong buổi sinh hoạt dưới cờ.

Với sự nhiệt tình, sáng tạo của nhân viên y tế trường học, sự quan tâm và tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, việc sân khấu hóa hoạt động truyền thông bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh đã được tiến hành từ nhiều năm nay, thu hút học sinh. Buổi truyền thông vừa qua có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa về chuyên môn và là buổi truyền thông điểm nên quy mô lớn hơn những lần trước.

Truyền thông tốt sẽ mang lại lợi ích lớn

Theo BSCKI Lê Huỳnh Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, hiện có 46 nhân viên y tế đang làm việc tại 46 trường công lập trên địa bàn thành phố. Trung tâm đã tổ chức tập huấn và tạo điều kiện cho các y sĩ đa khoa này tham gia khám chữa bệnh tại các trạm y tế để nâng cao chuyên môn.

Hằng tháng, trung tâm tổ chức 2 buổi sinh hoạt chuyên đề; những buổi sinh hoạt chuyên đề về sơ cấp cứu, phòng chống dịch bệnh..., nhân viên y tế trường học đều tham gia. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa còn chú trọng đến công tác truyền thông.

Bác sĩ Lê Huỳnh Linh cho biết: “Chúng tôi thành lập tổ truyền thông, kết nối từ trung tâm đến các trạm y tế và nhân viên y tế các trường; tổ chức tập huấn về kỹ năng truyền thông, kỹ năng giao tiếp. Từng nhân viên y tế trường học, kể cả ở trường mầm non, xây dựng kế hoạch truyền thông tại đơn vị. Và tùy theo độ tuổi, khả năng tiếp nhận của học sinh mà nhân viên y tế trường học có cách truyền thông thích hợp.

Ví dụ, đối với các cháu mầm non thì truyền thông qua tranh ảnh để các cháu nắm bắt. Với học sinh lớn hơn thì truyền thông qua những sự kiện, hình ảnh, tiểu phẩm; có nơi nhân viên y tế đến các lớp học để truyền thông; có nơi thì kể chuyện, truyền thông dưới cờ... Mỗi nơi mỗi cách. Nội dung truyền thông bám sát vào kế hoạch và tình hình thực tế trên địa bàn”.

Y sĩ đa khoa Phan Văn An, nhân viên y tế Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã An Phú, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Với học sinh tiểu học, tôi truyền thông bằng tranh ảnh, áp phích cho các em dễ hiểu. Mình phải chỉ cho học sinh biết con lăng quăng trông như thế nào, sống ở đâu; làm cách nào để diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Bích Lộc, nhân viên y tế Trường THCS Trần Phú (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) cho hay: “Đối với học sinh khối 6, tôi truyền thông tại lớp học, còn với học sinh các khối khác thì tổ chức truyền thông tại hội trường. Điều quan trọng là giúp các em biết về dịch bệnh và biết cách phòng tránh. Một khi các em đã ý thức được thì sẽ thay đổi hành vi để tốt cho sức khỏe”.

Khác với những trường trên, Trường phổ thông Duy Tân, tuy không thuộc hệ thống công lập, song nhân viên y tế trường này vẫn gắn kết khá tốt với Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa và tham gia những hoạt động chuyên môn do trung tâm tổ chức dành cho đội ngũ nhân viên y tế trường học.

Theo y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Hồng Nhi, nhân viên y tế phụ trách bậc THPT tại Trường phổ thông Duy Tân, hoạt động truyền thông được tổ chức dưới cờ, qua hệ thống phát thanh của trường trong thời gian học sinh ra chơi. Ngoài ra, chị Hồng Nhi còn gửi video truyền thông cho các giáo viên chủ nhiệm để phát tại lớp học.

“Tháng 9 vừa qua, chúng tôi truyền thông phòng chống các bệnh truyền nhiễm: sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bạch hầu...; tháng 10 truyền thông về vệ sinh cá nhân, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích; tháng 11 sẽ truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử...”, chị Hồng Nhi cho biết.

Theo bác sĩ Lê Huỳnh Linh, trong các hoạt động của y tế trường học, truyền thông là cốt lõi, không chỉ phòng chống dịch bệnh mà còn góp phần xây dựng thế hệ công dân tương lai có ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/322002/-ke-chuyen--phong-chong-dich-benh-bang-nhieu-cach.html