Kể chuyện tử tế
Những hành động nghĩa hiệp, nhân hậu, vị tha; những trái tim thiện lương, gieo mầm nhân ái của người dân TP đã làm cho TP HCM thật sự là thành phố nghĩa tình
Hết lòng vì... người dưng
22 giờ đêm 20-7, nép bên góc hiên lạnh lẽo trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), một bà lão gầy còm tựa lưng vào tấm cửa cuốn của một cửa hàng, thiêm thiếp ngủ. Anh Huỳnh Sơn Khang (SN 1998, đội trưởng đội từ thiện TP HCM) từ từ tiến lại, nhẹ nhàng đặt gói quà kế bên. Nghe tiếng chân người, bà giật mình tỉnh giấc. Nhận suất ăn khuya còn ấm nóng, bà cười móm mém: "Cám ơn tụi con nghen!".
Đến Bến xe Chợ Lớn (quận 6), đám trẻ lang thang xúm quanh nhóm thiện nguyện. Có đứa bé tầm 10 tuổi xin 2 phần vì 1 phần để dành cho ông bán vé số ngủ kế bên. Trâm Anh (SN 1999, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật) nắm tay đứa trẻ, đề nghị: "Dắt chị tới chỗ ông ngồi đi". Nhìn ông già cụt một chân trên chiếc xe lăn cũ kỹ, Trâm Anh bật khóc, dúi vào tay ông 50.000 đồng rồi thỏ thẻ: "Con bớt chút tiền tiêu vặt gửi ông, ông cầm cho con vui. Cuối tuần có dịp, con lại ghé thăm!". Ông cụ cám ơn mà đôi mắt ngân ngấn nước.
Mỗi chuyến đi phát quà đêm như thế đều được đội tiến hành khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng. Thông thường mỗi buổi có khoảng 10-20 thành viên tham gia. Phần lớn là những bạn trẻ học tập và sinh sống tại TP HCM. Mỗi đêm, đội chia thành 2 nhóm, tỏa đi khắp các con đường phát trên dưới 100 suất quà.
Với chị Lê Thị Kiều Chinh (SN 1982, trưởng nhóm thiện nguyện tại quận Gò Vấp), chính nụ cười hạnh phúc của những người vô gia cư khi đón nhận quà mà chị đã gắn với công việc thiện nguyện này suốt 5 năm nay.
Hơn 12.000 phần cơm cho người vô gia cư; góp phần xây 3 cây cầu dân sinh; hỗ trợ hơn 1.000 phần quà cho đồng bào lũ lụt miền Trung... Đó là những gì mà nhóm chị Chinh đã trao tặng.
Người chủ trọ "lạ"
Nhiều tháng nay, căn nhà 3 tầng lầu, nằm sâu trong khu đô thị Vạn Phúc (quận Thủ Đức) của anh Lưu Văn Hữu (46 tuổi) đã trở thành nơi cưu mang hàng chục người bệnh và thân nhân. "Một lần tôi đến bệnh viện thăm người thân, thấy nhiều bệnh nhân lưu trú dài ngày phải ngủ dọc hành lang, nhìn xót xa quá. Lúc đó, tôi nghĩ căn nhà cho thuê chẳng bao nhiêu tiền, thôi thì mình tận dụng làm việc phước. Từ suy nghĩ này, tôi đã tìm ra cách" - anh Hữu tâm sự.
Căn nhà có sức chứa khoảng 60 người, anh trang bị giường, máy lạnh. Hôm chúng tôi đến, những người đang sống tại đây cho biết họ là dân lao động nghèo từ khắp nơi về TP điều trị bệnh, nhờ đọc được thông báo trên mạng và nhờ xe ôm thấy cảnh khó khăn nên giới thiệu đến.
"Tưởng rằng tại TP thứ gì cũng tốn tiền nhưng nay tôi thấy có nơi chẳng màng đến vật chất. Không những được ở mà còn được chăm sóc, ăn uống miễn phí" - anh Lê Mạnh (41 tuổi, quê Khánh Hòa) nói. Trong một lần chẻ đá, anh Mạnh bị tai nạn lao động. Hai lần mổ khiến gia đình kiệt quệ, rơi vào nợ nần. Lần này, phải sau 3 ngày uống thuốc mới mổ, anh tình cờ đọc được thông tin nên tìm đến nhà anh Hữu xin ở tạm.
Anh Hữu cho biết sắp tới sẽ đầu tư thêm xe đưa người bệnh đến tận các phòng khám, bệnh viện. Ngoài ra, đăng ký với chính quyền thành lập phòng khám kêu gọi các bác sĩ thiện nguyện đến chung tay chữa bệnh miễn phí.
Anh tài xế tốt bụng
Trưa 10-7, anh Lê Xuân Huy (38 tuổi) chạy chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày thì thấy 2 đối tượng cướp chiếc xe máy của một cô gái tại khu vực gần cầu Kênh Tẻ (quận 4). Ngay lập tức, anh ép xe đối tượng vào lề đường, tên cướp tháo chạy, tài sản của nạn nhân không bị mất.
Đây không phải lần đầu anh Huy làm việc nghĩa. Hồi còn làm tài xế xe buýt số 54, chuyến xe thường đi ngang qua một số bệnh viện, có nhiều đối tượng móc túi hoành hành, anh đã giúp hơn 10 trường hợp lấy lại tài sản.
Lên xe anh, chúng tôi càng bất ngờ khi bắt gặp nhiều món đồ miễn phí. Tại vị trí gần cửa lên xuống là giỏ tiền lẻ được anh trích từ tiền lương giúp người nghèo hoặc những ai không mang theo tiền. Kế đó là túi áo mưa, bên trên để tấm bảng lớn ghi đồ miễn phí, ai có nhu cầu cứ lấy dùng.
Anh Huy tâm sự: "Rổ tiền lẻ tôi đặt từ năm ngoái khi còn chạy tuyến 54 vì thấy nhiều người không có tiền bị đuổi xuống, tội lắm, toàn những người đi bệnh viện không à. Còn áo mưa thì từ khi tôi chạy xe tuyến 86, đi qua mấy trạm không có nhà chờ, lại đúng mùa mưa nên mua để đó ai cần thì lấy, một cái có mấy ngàn đồng, không đáng là bao".
Chẳng những giúp đỡ người nghèo, anh Huy còn là người vui vẻ, hòa đồng, thường tặng kẹo cho trẻ nhỏ, khách say xe, hay những chiếc móc khóa dễ thương cho các bạn sinh viên. Bởi theo anh, cho đi là nhận lại.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ke-chuyen-tu-te-2019072719101386.htm