Kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây

Vở nhạc kịch Bỉ vỏ được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng do Đoàn Ca múa Hải Phòng công diễn trong những ngày vừa qua đã gây bất ngờ không chỉ với khán giả mà còn nhận được lời khen tặng của nhiều người làm nghề.

Cảnh trong vở nhạc kịch Bỉ vỏ (Đoàn Ca múa Hải Phòng) dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng

Cảnh trong vở nhạc kịch Bỉ vỏ (Đoàn Ca múa Hải Phòng) dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng

Thử thách với nhạc kịch

Nhạc kịch Bỉ vỏ không minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng mà muốn kết nối với tư tưởng và cái thấy của ông về một Hạ Lý rất khác với bối cảnh của những văn bản nhưng lại gần với ký ức, những tấm ảnh xưa cũ mang hơi thở bản sắc Hải Phòng. Âm ỉ sâu trong đó vẫn là cuộc rượt đuổi của những kiếp sống nhân sinh của Hải Phòng, hay cả Việt Nam ở thời khắc quá khứ đã từng đi qua đó.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật việt Nam Đỗ Hồng Quân, các nghệ sĩ đã táo bạo khi lựa chọn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Hồng để dàn dựng, bởi nhạc kịch là thể loại rất khó. Hơn nữa, câu chuyện trong Bỉ vỏ không chỉ nói về quá khứ, mà còn là sự giáo dục cho tương lai, điều này rất ý nghĩa. Cùng chung nhận định này, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nói: “Chưa bao giờ thấy nhạc kịch lại làm về đề tài lịch sử của xã hội Việt Nam”. Đây thực sự là thử thách lớn với ê-kíp vì để vừa chuyển tải trọn vẹn tư tưởng của tác phẩm gốc song vẫn phù hợp với ngôn ngữ nhạc kịch, lấy được cảm xúc của khán giả là rất khó.

Sau thành công của những vở múa Mỵ, ballet Kiều, nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký, biên đạo múa Tuyết Minh tiếp tục hành trình kể những câu chuyện Việt bằng ngôn ngữ nhạc kịch của phương Tây với việc chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Đó là cách nghệ sĩ tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Việt dù con đường khó khăn và nhiều chông gai, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. “Văn hóa dân tộc được sáng tạo mới mẻ trong đời sống hôm nay sẽ tiếp tục tồn tại và có sức sống, đó là cách bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất”, nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ.

Cơ hội thể hiện tài năng của nghệ sĩ

Với Bỉ vỏ, biên đạo múa Tuyết Minh khá kỹ lưỡng trong việc mời ê-kíp tham dự. “Điều tôi thấy áp lực nhất là tìm mạch âm nhạc để lột tả hết được cảm xúc khốn khổ của những nhân vật trong câu chuyện. Hai chữ nhạc kịch nếu hiểu theo một thể loại biểu diễn sân khấu thế giới thì khán giả không lạ lẫm, nhưng khi gắn với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, tôi cần phải điều chỉnh làm sao cho khán giả cảm được theo phong cách nhạc kịch nguyên gốc mà không mất đi hồn Việt. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú và đa dạng nhưng luôn là bài toán khó với các nhạc sĩ khi mong muốn giữ nguyên ý văn của đạo diễn trên nền giai điệu do mình sáng tác. Tôi luôn cố gắng giữ nguyên vẹn, chỉ sửa một vài từ để hát được đúng cao độ”, nhạc sĩ Lưu Quang Minh chia sẻ. Nhạc sĩ đã sử dụng chất liệu rock cho một số đoạn đòi hỏi một chút cảm xúc u tối, dữ dội và giằng xé. Ngoài ra, các chất liệu rộn ràng của funky hay cách điệu của jazz mang đến nhiều màu sắc cho các phân cảnh khác của vở diễn.

Trên sân khấu nhạc kịch, âm nhạc của Bỉ vỏ đã vẽ nên thành phố cảng Hải Phòng - nơi giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương thời bấy giờ với đầy đủ mọi thành phần xã hội, với những “anh chị có số má” hung tợn, liều lĩnh nhưng cũng rất tay chơi, nghĩa hiệp. Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật được khắc họa trên sân khấu nhạc kịch Bỉ vỏ. Các nghệ sĩ, diễn viên cùng với hiệu ứng sân khấu, âm nhạc thể hiện được tư tưởng tác phẩm, dù xã hội có những bất công, ngang trái, song vẫn bừng sáng tình thương yêu, đùm bọc giữa người với người…

Vở diễn cũng là cơ hội cho mỗi nghệ sĩ của đoàn vượt qua giới hạn của bản thân. Bởi loại hình nghệ thuật được xem là hàn lâm như nhạc kịch không chỉ giúp các nghệ sĩ nâng cao chuyên môn, mà còn bổ sung nhiều kỹ năng ca, múa, vũ đạo, diễn xuất, cảm nhận âm nhạc và đặc biệt là nâng cao khả năng tương tác với bạn diễn, với khán giả. Đạo diễn Tuyết Minh tin tưởng, 2 đêm diễn đầu tiên “cháy vé” là tín hiệu cho thấy nhạc kịch Bỉ vỏ không chỉ đạt chất lượng nghệ thuật mà điều quan trọng ở thời điểm này là được sự yêu thích của công chúng, mở ra một thị trường thực sự cho các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ke-chuyen-van-hoc-viet-bang-ngon-ngu-san-khau-phuong-tay-post747823.html