'Kẻ điên' bỏ hàng chục tỉ phá đất hoang trồng rừng, giờ thu trăm tỉ/năm
Quyết định 'điên rồ' này ban đầu vấp phải sự chế giễu và nghi ngờ của nhiều người, nhưng cái kết ở hiện tại lại khiến ai cũng thán phục người phụ nữ giàu nghị lực.
Từ “người điên” đến “chủ mỏ vàng”
Năm 2007, chị Thư Phương đến từ Cam Túc (Trung Quốc) đã quyết định đầu tư toàn bộ tài sản của mình để làm một việc “điên rồ”: khai phá đất hoang trồng cây.
Số tiền chị đầu tư cho kế hoạch này lên đến hơn 10 triệu NDT, tương đương hơn 34 tỷ đồng. Mọi người xung quanh đều cho rằng chị sẽ thất bại. Tuy nhiên, sau hơn chục năm, chị đã chứng minh tầm nhìn xa của mình bằng thành quả rực rỡ. Vùng đất hoang cằn cỗi năm xưa nay đã trở thành “mỏ vàng”, giúp chị trở thành “nữ đại gia”.

Trước đây, hai vợ chồng chị Phương đã kiếm được hơn 10 triệu NDT nhờ đầu tư vào thị trường đồ điện gia dụng. Tuy nhiên, chị Phương vẫn còn một giấc mơ lớn hơn. Chị đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh ở sa mạc Gobi (trải rộng trên một phần khu vực Bắc - Tây Bắc Trung Quốc và Nam Mông Cổ).
Đây là một quyết định táo bạo bởi khi đó, công việc kinh doanh đồ điện gia dụng của vợ chồng chị vẫn đang kiếm ra tiền. Tuy nhiên, chị Phương lại có một tầm nhìn dài hạn hơn và có ý tưởng riêng của mình.
Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đang tích cực thúc đẩy phát triển dự án sa mạc Gobi và đưa ra nhiều điều kiện ưu đãi. Vì vậy, chị Phương cảm thấy đây là một cơ hội khởi nghiệp tốt. Nếu có thể dành ra ba đến năm năm để phát triển kinh doanh trên sa mạc Gobi, chị cũng có thể tạo ra một khối tài sản lớn.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị đã chọn một vùng sa mạc Gobi nằm gần kênh đào và có lớp đất dày ở huyện Cảnh Đài. Nơi này có nhiều cồn cát cao xung quanh, ở giữa địa hình thấp và bằng phẳng, tổng thể địa thế có hình lòng chảo.
Chị đã mua 15.000 mẫu đất để trồng cây Xanthoceras sorbifolium (tên tiếng Trung: Wen Guan Guo) - một loài thực vật có hoa trong họ bồ hòn.

Giống cây này đã có lịch sử lâu đời tại Trung Quốc, được coi là biểu tượng mang lại may mắn trong nhà của giới trí thức Trung Quốc xưa. Cây cho ra hoa với nhiều màu sắc khác nhau, phần lớn được trồng làm cây cảnh.
Ưu điểm của cây Xanthoceras sorbifolium là dễ dàng thích nghi với nhiều môi trường đất khác nhau, có khả năng sống sót cao và chịu hạn rất tốt, đặc biệt thích hợp để trồng ở sa mạc Gobi. Quan trọng hơn, loài cây này có giá trị rất cao.

Quả của cây có thể ép lấy tinh dầu. Loại tinh dầu này rất có lợi cho người già mắc bệnh tim bạch. Ngoài ra, một số bộ phận khác của cây cũng có giá trị dược liệu nhất định. Ngoài ra khi cây phát triển trên sa mạc, nó còn đóng vai trò ngăn gió và giữ cát. Một cân Xanthoceras sorbifolium có thể bán với giá hơn 200 NDT (685.000đ).
Tất nhiên, dù với loại cây nào, kể cả cây có khả năng thích nghi tốt với nhiều môi trường khác nhau như Xanthoceras sorbifolium, người trồng vẫn cần tạo điều kiện phát triển tốt cho cây thay vì để chúng tự lớn mà không cần chăm sóc.
Ở sa mạc Gobi có nhiều cát và gió mạnh, ngoài ra, nguồn nước cũng là một yếu tố quan trọng cần xử lý.
Lấy ngắn nuôi dài, biến sa mạc thành “kho tiền” vô tận
Mặc dù có kênh đào ở sa mạc Gobi nhưng lượng nước không đủ để tưới tiêu. Vì vậy, chị Phương đã hướng mục tiêu đến con kênh cách đó 13km. Chị đã quyết định đặt đường ống để chuyển hướng dòng nước.

Quá trình này không hề dễ dàng, đặc biệt là khi khí hậu ở sa mạc thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, đường ống phải được chôn sâu 2m dưới lòng đất để tránh bị đóng băng hoặc nứt do thời tiết khắc nghiệt.
Thư Phương và nhóm thợ phải mất 1 năm làm việc liên tục mới hoàn thành việc lắp đường ống. Sau đó, họ mất thêm 40 ngày để xây dựng trạm bơm nước. Cuối cùng, công trình cũng hoàn thành, nhưng sức khỏe của chị Phương đã bị suy yếu, thậm chí chị còn mắc bệnh dạ dày.
Tiếp đó, vấn đề cát và gió mạnh ở sa mạc cũng cần được giải quyết triệt để để cây có thể phát triển. Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, chị quyết định trồng cây bạch dương ở vùng ngoại ô sa mạc Gobi. Cách này sẽ ngăn chặn gió và cát hiệu quả.
Sau khi đã cơ bản xây dựng xong môi trường sống thuận lợi cho cây Xanthoceras sorbifolium, chị Phương tiếp tục phải tìm cách giải quyết một vấn đề khác. Trong lúc chờ cây trưởng thành và tạo ra giá trị kinh tế, chị cũng cần phải kiếm tiền để duy trì chi phí chăm sóc cây.

Do đó, chị Phương quyết định sẽ trồng thêm các loại cây khác có thể cho thu hoạch sớm chỉ sau hai năm như cây cam thảo. Để đảm bảo cây đạt chất lượng tiêu chuẩn, chị đã cải tiến phương pháp trồng cây, bằng cách ngâm hạt cam thảo trong dung dịch dinh dưỡng.

Nhờ ý tưởng sáng tạo, chị đã gom góp thêm vài triệu NDT để trồng cam thảo và đạt được thành công lớn. Nhiều người buôn dược liệu đều tranh nhau mua cam thảo của chị do đây là loại cam thảo chất lượng cao. Bên cạnh đó, chị Phương còn mở một nhà máy chuyên gia công cam thảo, từ đó kiếm thêm một khoản thu nhập không nhỏ.
Đối với lá cam thảo - thứ vốn không có giá trị, chị Phương dùng để làm thức ăn cho gia súc. Chị đã mở một trang trại chăn nuôi cừu. Thịt cừu được nuôi bằng cam thảo có chất lượng tốt hơn và giá cũng cao hơn thịt cừu thông thường.

Chị Phương còn đích thân đi khắp nơi để quảng bá, tìm kiếm khách hàng, thậm chí còn mời các thương nhân đến thăm trang trại của mình. Những người này sau đó đã hợp tác với chị, giúp doanh nghiệp khai phá từ vùng đất hoang năm nào ngày càng phát triển lớn mạnh.
Sau thành công từ việc kinh doanh cam thảo và thịt cừu, những cây Xanthoceras sorbifolium của chị Phương cũng đã đến mùa thu hoạch. Doanh thu hàng năm đạt hơn 200 triệu NDT, tương đương gần 685 tỷ đồng.
Trong quá trình làm giàu, chị Phương cũng không quên động viên hơn 1.000 hộ gia đình địa phương cùng tham gia. Bản thân chị đã xây dựng được kênh tiêu thụ, có thể đảm bảo đầu ra cho người dân.
Đặc biệt, sự phát triển của cây Xanthoceras sorbifolium đã tạo ra một ốc đảo ở sa mạc Gobi, không chỉ tạo ra của cải cho người dân địa phương mà còn góp phần không nhỏ vào cải thiện môi trường.