Kẻ dội nước sôi 3 mẹ con có thể bị xử lý thế nào?
Do mâu thuẫn với mẹ của cháu bé, người phụ nữ ở Phú Thọ đã dội cả một ấm nước sôi vào người bé gái mới chỉ 7 tuổi.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện thông tin cháu T.T.D, SN 2015, trú tại xóm Quét, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị hàng xóm dội nước sôi vào người. Kèm theo đó là hình ảnh toàn lưng, tay bé gái bị bỏng nặng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Ngày 22/7, cơ quan chức năng đã thông tin chi tiết vụ việc.
Theo đó, khoảng 20h ngày 20/6/2022, chị Hà Thị Quyên, SN 1994, trú tại xóm Quét, xã Đông Cứu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ do nghi ngờ chị Hà Thị T, 26 tuổi, ở cùng xóm, có quan hệ bất chính với chồng Quyên là Trần Văn T, 25 tuổi, nên đã đun nước sôi, chắt vào 1 ca nhựa.
Sau đó Quyên cầm xuống nhà chị T rồi hất vào người chị T khi đó đang ngồi trên giường cùng cháu Hà Thị D, SN 2015, Hà Văn Th, SN 2017 và cháu Hà Thị L, SN 2022, đều là con đẻ của chị T. Hậu quả của sự việc, làm chị T, cháu D và cháu L bị thương phải đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn.
Ngày 21/6/2022, CQ CSĐT CA huyện Thanh Sơn đã trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Phú Thọ giám định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe của chị T, cháu D và cháu L. Kết quả giám định thương tích chị T bị tổn hại 15%, cháu D bị tổn hại 15% và cháu L bị tổn hại 6% sức khỏe.
Ngày 22/6/2022, CQ CSĐT CA huyện Thanh Sơn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Hà Thị Quyên về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3, Điều 134 BLHS năm 2015.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích cụ thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác.
Luật sư Nguyên viện dẫn, Điều 134 BLHS năm 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ, có tính chất côn đồ… sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài mức phạt trên, các khung hình phạt tăng nặng khác với tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Điều 134 như sau: Phạt tù từ 2 năm đến 6 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%...
Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp như gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạng vùng mặt) hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này…
Nếu làm chết người; Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên… sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm…
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu làm chết 2 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
“Trong vụ việc này, hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp (người thực hiện mong muốn hậu quả là gây thương tích cho người khác) hoặc cố ý gián tiếp (người thực hiện không mong muốn nhưng chấp nhận hậu quả sẽ gây thương tích cho người khác) nhưng đều sẽ phải chịu sự xử phạt của pháp luật”, luật sư Nguyên thông tin.