Kẻ gian lợi dụng việc chùa Vẽ bị cháy để lừa đảo

Trang Facebook '13 Hạnh Đầu Đà' kêu gọi phát tâm tu sửa, xây dựng lại chùa Vẽ là hành vi lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tiền của phật tử và người dân.

Tối 1/4, tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, sau vụ cháy tại chùa Vẽ, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang mạo danh sư trụ trì nhằm lừa đảo phật tử trong và ngoài nước chuyển tiền trùng tu.

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, trang Facebook “13 Hạnh Đầu Đà” đăng tải thông tin kêu gọi phát tâm tu sửa, xây dựng lại chùa sau đám cháy kèm theo nhiều hình ảnh từ vụ cháy, tài khoản nhận ủng hộ tên Nguyễn Thành Luân, số tài khoản: 19074094467017.

 Thông tin giả mạo trên trang Facebook “13 Hạnh Đầu Đà”. Ảnh chụp màn hình

Thông tin giả mạo trên trang Facebook “13 Hạnh Đầu Đà”. Ảnh chụp màn hình

Điều này khiến nhiều người lầm tưởng đây là trang Facebook do nhà chùa lập ra để tạo lòng tin và lợi dụng sự thương cảm của người dân để chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng.

Trong khi đó, làm việc với cơ quan chức năng, sư trụ trì chùa Vẽ khẳng định, nhà chùa không sử dụng tài khoản mạng xã hội và chưa từng có bất kỳ lời kêu gọi đóng góp trực tuyến nào.

Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân, các tổ chức, tín đồ tôn giáo nêu cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin giả mạo, không chuyển tiền vào các tài khoản của đối tượng lừa đảo. Trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, rạng sáng ngày 10/2/2025, chùa Vẽ - ngôi chùa 300 tuổi thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) bị cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về nhưng mái chùa và nhiều cổ vật quý bị thiêu rụi hoàn toàn.

Chùa Vẽ được xây dựng từ thế kỷ XVII, được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994. Trong chùa có một quả chuông lớn (cao 1,5m đường kính 66cm) đúc từ thời Lê Cảnh Hưng.

Ngoài ra, chùa Vẽ còn nhiều đồ thờ, tài liệu, hiện vật quý giá khác như bát hương, mõ gỗ, nhang án thời Nguyễn, chuông đồng thời Tây Sơn và đặc biệt là cây hương đá thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1720)… Năm 2018, khi tu sửa chùa, người dân địa phương đã phát hiện 3 bệ chân tảng đá hoa sen mang phong cách thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) dưới phần nền ngôi tam bảo.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ke-gian-loi-dung-viec-chua-ve-bi-chay-de-lua-dao-post341049.html