Người dân A Lưới thoát nghèo từ đòn bẩy du lịch cộng đồng
Phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng với vai trò đóng góp quan trọng của các HTX được xem đòn bẩy giúp thoát nghèo cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số huyện vùng cao A Lưới (thuộc thành phố Huế) và tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, tại Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) đã diễn ra Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới” năm 2025 và thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.
Gắn du lịch với bảo bản sắc dân tộc thiểu số
Đây là hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, nhằm tôn vinh và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới. Qua đó, hướng đến kết nối, quảng bá điểm đến du lịch A Lưới với các công ty lữ hành cùng nhà đầu tư trong và ngoài thành phố Huế.

Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới” với gian hàng trưng bày các sản phẩm của HTX thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
Ngày hội này còn là dịp trưng bày sản phẩm, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như vải dệt zèng, đồ mây tre đan, nhạc cụ dân tộc. Các HTX, tổ hợp tác cũng tham gia quảng bá hoạt động du lịch cộng đồng, giới thiệu mô hình homestay và các tour trải nghiệm văn hóa. Du khách còn được xem những thước phim tư liệu, pano, áp phích…về cảnh sắc thiên nhiên, con người và tiềm năng du lịch của A Lưới.
Bên cạnh đó, trong ngày hội còn có Chợ phiên vùng cao A Lưới mang đến không gian giao thương sôi động với các gian hàng trưng bày sản phẩm của các HTX như thổ cẩm zèng, ẩm thực truyền thống và các mặt hàng đặc sản địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết thông qua các hoạt động tái hiện lễ hội, giới thiệu ẩm thực, nghề thủ công…để quảng bá tiềm năng du lịch của A Lưới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Không chỉ với lễ hội như nêu trên, những năm gần đây huyện A Lưới xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, gắn với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Nhất là khi huyện vùng cao này có hệ thống sinh thái suối thác dày đặc, đẹp, vẫn còn hoang sơ, đặc biệt khí hậu mát mẻ, trong lành… được ví như “cỗ máy điều hòa” khổng lồ và được ca ngợi là 1 trong 7 thung lũng đẹp nhất nước.
Đặc biệt, truyền thống văn hóa mang đặc trưng riêng của các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều…chính là tiềm năng, lợi thế để A Lưới phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng và du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc.
Không những vậy, huyện này còn có 2 Di sản cấp Quốc gia đó là nghề dệt thổ cẩm zèng của dân tộc Tà Ôi và Lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới) của người Pa Cô.
Dấu ấn đậm nét của HTX
Ngoài ra, nhắc đến việc phát triển du lịch cộng đồng ở A Lưới không thể không kể đến Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim). Đây là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới với những sản vật nông sản từ núi rừng, sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát mây tre… ngày càng được du khách ưa chuộng.

Nhờ vào hoạt động hiệu quả của HTX du lịch sinh thái A Nôr đãgiúp cho đôngđảo du khách đến tham quan và giao lưu cùng đồng bào thiểu số ở Làng du lịch cộng đồng A Nôr.
Để du lịch hoạt động bài bản ở Làng du lịch cộng đồng A Nôr, ở địa phương đã thành lập HTX du lịch sinh thái A Nôr. Nhờ cách thức hoạt động hiệu quả của HTX đã giúp lượng khách đã tăng dần, đều cho đến nay. Đặc biệt là vào các dịp hè, lượng khách đến với A Nôr ngày một đông có thời điểm tăng đột biến.
Theo ông Hoàng Thanh Duy, Giám đốc Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Anôr, HTX hiện có 90 thành viên, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Pa Cô. Lúc chưa làm du lịch cộng đồng bà con chủ yếu là làm nông, bây giờ có khu du lịch rồi bà con vừa làm nông, vừa làm du lịch. Làm nông bà con chủ yếu phục vụ cho chính gia đình, khi tham gia làm du lịch mỗi thành viên thu nhập thêm khoảng 4-5 triệu/tháng, những tháng cao điểm thì nhiều hơn.
Ông Duy cho biết số lượng lao động tại Làng du lịch cộng đồng Anôr tương đối đủ người phục vụ, tuy nhiên nếu bà con đồng bào dân tộc nào muốn tham gia thì HTX sẵn sàng đón nhận.
Theo đó, đa phần đại diện các hộ gia đình của Làng du lịch cộng đồng Anôr vừa là thành viên của HTX, vừa tham gia các đội tự quản bảo vệ rừng, qua đó tạo ra sự gắn kết để khai thác phát triển du lịch một cách bền vững. Các thành viên của HTX được tập huấn kỹ năng làm du lịch và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Như chia sẻ của ông Duy, bên cạnh việc phát triển dịch vụ lưu trú ở các homestay, điểm du lịch suối, thác thì HTX còn kết nối với doanh nghiệp để tổ chức các đoàn khách lớn. Dựa trên những nét đặc trưng của miền sơn cước, HTX còn vận dụng triển khai các dịch vụ cho khách, giúp du khách trải nghiệm độc đáo xông răng tại thác, bằng hơi nước nóng nấu từ cây cỏ hái ở rừng; gội đầu bên suối, nước gội là thảo dược hái từ rừng được đun sôi…
Ngoài HTX nêu trên, khi nói đến du lịch cộng đồng ở A Lưới thì các du khách luôn dành sự quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm zèng - nghề truyền thống được hình thành cách đây hàng trăm năm của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Và vai trò của HTX đã đáp ứng rất tốt trước nhu cầu của khách tham qua.
Tạo công ăn việc làm và thoát nghèo
Cụ thể là HTX Thổ Cẩm Xanh Azakooh ở thị trấn A Lưới do nghệ nhân Mai Thị Hợp làm giám đốc, được xem là cơ sở dệt zèng có quy mô lớn nhất huyện A Lưới.

HTX Thổ Cẩm Xanh Azakooh vừa giữ gìn nghề dệt thổ cẩm zèng của dân tộc Tà Ôi và vừa trở thành địa điểm thu hút khách du lịch khi đến A Lưới.
Hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả, một phần cũng nhờ vào việc phát triển du lịch cộng đồng của huyện A Lưới khi khách du lịch ngày càng tìm đến HTX để mục sở thị và mua sắm các sản phẩm thổ cẩm zèng khá độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, nghề truyền thống được hình thành cách đây hàng trăm năm của đồng bào
Nhờ đó HTX Thổ Cẩm Xanh Azakooh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều nhiều người dân, đồng bào thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm zèng, HTX được chia thành nhiều bộ phận chuyên môn, ngoài thợ dệt còn có các bộ phận khác phụ trách về kinh tế, kỹ thuật, truyền thông.
Trung bình mỗi tấm vải zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 300.000 đến 600.000 đồng/tấm, sản phẩm đặc biệt giá gần 2 triệu đồng. Qua nhiều năm hoạt động, đến nay HTX giải quyết việc làm, thu nhập cho khoảng hơn 100 lao động trên địa bàn huyện A Lưới.
Bên cạnh sản phẩm dệt zèng thổ cẩm thì những sản vật nông sản, thủ công truyền thống từ đan lát mây tre, làm chổi đót…của các HTX, tổ hợp tác ở A Lưới cũng ngày càng được du khách ưa chuộng. Chẳng hạn như giống chuối già lùn trong huyện này đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và chất lượng OCOP 3 sao. Việc các HTX, tổ hợp tác đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực như chuối, hoa Tulip, hoa Ly, rau sạch, cá Tầm, sâm Bố Chính…đã tạo ra nguồn thu nhập cho người dân địa phương và thu hút sự chú ý, mua sắm của khách du lịch khi đến tham quan.
Có thể thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng với vai trò đóng góp của HTX, tổ hợp tác đã góp phần quan trọng để giúp người dân và đồng bào thiểu số A Lưới thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Để khuyến khích, hỗ trợ HTX, tổ hợp tác ở A Lưới giữ gìn, phát huy giá trị của những nghề truyền thống của đồng bào thiểu số, cũng như khai thác nguồn tài nguyên bản địa phục vụ cho phát triển du lịch, từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX thành phố Huế xác định giải pháp tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ quản lý, nghiệp vụ, thành viên, người lao động trong HTX, tổ hợp tác ở A Lưới nhận biết những cơ hội lớn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, từ đó hình thành ý tưởng đầu tư phát triển du lịch.
Nhất là lựa chọn các HTX có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng ở A Lưới để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình sản xuất gắn với kinh doanh, dịch vụ du lịch hay mô hình HTX chuyên kinh doanh, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nhân rộng.