Kẻ gieo rắc nỗi ám ảnh cho du khách
Vào đầu những năm 1990, Australia rung chuyển bởi những vụ giết người hàng loạt nhằm vào khách du lịch bụi ở rừng Belanglo, gần thành phố Sydney.
GD&TĐ - Vào đầu những năm 1990, Australia rung chuyển bởi những vụ giết người hàng loạt nhằm vào khách du lịch bụi ở rừng Belanglo, gần thành phố Sydney.
7 thi thể được tìm thấy trong tình trạng đang phân hủy nhưng hung thủ không để lại hiện trường bất kỳ manh mối nào.
Những vụ mất tích bí ẩn
Chiều 19/9/1992, khi đang đi dạo trong rừng Belanglo, cách Sydney khoảng 150 km về phía Tây Nam, hai khách du lịch bụi ngửi thấy mùi lạ nên bắt đầu dò tìm xung quanh. Trong bụi cây rậm rạp là mô đất nhỏ phủ đầy lá rụng với một số quần áo, giày tất đã mục nát cùng một bộ xương. Đánh dấu vị trí này trên bản đồ, hai người hoảng hốt quay lại thành phố để báo án.
Khi cảnh sát tới hiện trường, trời đã xẩm tối nên họ chỉ tiến hành khám nghiệm sơ bộ. Đến ngày hôm sau, cơ quan điều tra tiếp tục phát hiện một thi thể khác cách đó không đến 30m. Hai nạn nhân đều là phụ nữ. Cơ thể bị phân hủy gần hết nên khó xác định thân phận.
Từ vị trí hiện trường và các đồ vật còn sót lại, cảnh sát phán đoán hai người này rất có thể là khách du lịch bụi. Ban đầu, cảnh sát cho rằng đây là vụ án giết người đơn lẻ nhưng trong quá trình điều tra, ngày càng nhiều thi thể bị phát hiện tại rừng Belanglo, biến nơi đây trở thành “điểm chết chóc” mới tại Australia.
Hai nạn nhân đầu tiên được tìm thấy là Clarke, 21 tuổi đến từ Surrey, Anh và Walters, 22 tuổi, đến từ Maesteg, xứ Wales. Họ gặp nhau tại một nhà trọ dành cho khách du lịch bụi ở quận Kings Cross, thành phố Sydney, bang New South Wales và thuê chung một căn hộ gần đó để tiện cho việc khám phá đất nước này.
Cả hai đã cùng nhau tham quan nhiều điểm du lịch ở Australia như thị trấn nhỏ Mildura ở thành phố Victoria, hay đến Tasmania để hái trái cây. Vào tháng 4/1992, họ rời Sydney với những kế hoạch mơ hồ về hành trình du lịch tiếp theo.
Sau nhiều tuần trôi qua mà không có bất kỳ liên lạc nào, gia đình Clarke và Walters vội vàng báo cho cảnh sát tại Anh và Australia, đồng thời, sử dụng các phương tiện truyền thông để thu hút sự quan tâm tới vụ mất tích.
Nào ngờ thay, giới truyền thông tại Anh lại nhận thấy vụ mất tích của 2 cô gái trẻ giống với những vụ mất tích khác của khách du lịch người Anh tại Australia trong thời gian đó. Nhưng họ không có thêm bất kỳ thông tin nào về các vụ án.
Phải đến tháng 9/1992, khi thi thể của Clark và Walters được phát hiện thì mức độ nghiêm trọng của các vụ mất tích trên mới được nhìn nhận. Walters bị đâm 21 nhát vào lưng, 14 nhát vào ngực. Cột sống của cô bị gãy bởi một cú đánh dồn lực. Nằm cách đó, Clarke bị bắn 10 phát vào đầu và bị đâm nhiều nhát vào ngực. Song không thể phán đoán cả hai có bị xâm hại tình dục hay không.
Linh cảm sẽ tìm thấy nhiều thi thể khác trong rừng, các điều tra viên đã tiến hành tìm kiếm xung quanh khu vực hiện trường nhưng lại trắng tay. Bản thân vụ án của Clarke và Walters cũng rơi vào ngõ cụt do những manh mối còn lại quá ít và không có bằng chứng, nhân chứng rõ ràng.
Điều này được thể hiện qua việc Clarke và Walters là khách du lịch bụi với điểm chung là kinh phí có hạn. Để tiết kiệm tiền bạc và di chuyển thuận tiện, họ thường xin đi nhờ xe. Nhưng không ai ngờ được có người chuyên nhắm vào những khách du lịch bụi xin đi nhờ xe như vậy. Một năm trôi qua, cảnh sát vẫn không có manh mối còn vụ án rơi vào cục diện bế tắc.
Vào tháng 10/1993, một người vào rừng nhặt củi đã phát hiện một thi thể. Đối chiếu với danh sách những người mất tích, cảnh sát kết luận đây là thi thể của James Gibson. Thi thể thứ 2 được tìm thấy của Deborah Everist nằm gần đó.
Cả hai là đôi tình nhân 19 tuổi, từ thành phố Melbourne, Australia đến đây du lịch và mất tích vào ngày 30/12/1989. Họ thiệt mạng bởi những vết thương tương tự những nạn nhân trước đó. Cảnh sát đặt giả thuyết rằng trong khu rừng này đang ẩn nấp một sát thủ nguy hiểm.
Họ tức tốc điều động lượng lớn nhân lực triển khai tìm kiếm kiểu trải thảm. Sau gần một tháng, họ phát hiện thêm 3 thi thể khác của khách du lịch người Đức. Simone Schmidl, 21 tuổi, từ Đức đến Sydney và mất tích vào ngày 20/1/1991. Gabor Neugebauer, 21 tuổi và Anja Habschied, 20 tuổi, dự định rời Sydney vào tháng 11/1991 nhưng họ không bao giờ lên máy bay. Giống như Clarke và Walters, tất cả đều bị sát hại một cách dã man.
Tổng cộng từ năm 1989 đến 1992, cảnh sát ghi nhận tổng cộng bảy người bị hại trong khu rừng Belanglo. Vụ án gây ra chấn động cực lớn trong xã hội khiến nhiều khách du lịch bụi không dám tham quan địa điểm này. Khu rừng Belanglo cũng vì thế còn được gọi là “công viên chết chóc”.
Cuộc gọi từ bên kia bán cầu
Sau cuộc điều tra diện rộng, cảnh sát đã thu hẹp danh sách nghi phạm nhờ một một cuộc điện thoại đến từ nước Anh vào ngày 11/11/1993. Người này xưng tên là Paul Onion và cung cấp những bằng chứng vô cùng quan trọng làm thay đổi toàn bộ cục diện điều tra vào thời điểm đấy.
Vào tháng 1/1990, 3 tuần sau khi Everist và Gibson mất tích, Paul đã bay đến Australia du lịch một mình. Vì kinh phí có hạn nên trong thời gian du lịch, anh vừa làm thuê kiếm tiền vừa tranh thủ đi tham quan các điểm du lịch độc đáo.
Một ngày nọ, Paul quyết định đi nhờ xe đến khu rừng Belanglo. Chiếc xe do một người đàn ông trung niên, tên Bill, với tính cách cởi mở, dễ gần cầm lái. Khi đang trò chuyện vui, Paul vô tình tiết lộ bản thân đến từ nước Anh và thái độ của tài xế đột nhiên thay đổi. Ông ta bỗng trở nên kích động, không ngừng chửi bới người di cư từ Anh và nói ra rất nhiều câu chữ mang tính thù địch với người nước ngoài.
Paul rất sợ hãi nhưng do xe đang chạy trên đường nên anh ấy hoàn toàn bị động. Khoảng một tiếng sau, xe đột ngột dừng lại ở nơi hẻo lánh bên đường gần khu rừng Belanglo. Người tài xế nói rằng muốn tìm vài chiếc băng cát sét để nghe nhạc nhưng Paul thoáng thấy ông ta rút ra một khẩu súng với một sợi dây dài. Hai người đã vật lộn một lúc trước khi người đàn ông nổ súng còn Paul nhanh nhẹn mở cửa xe bỏ chạy.
Tài xế vẫn tiếp tục nổ súng về hướng Paul nhưng anh cắm cổ chạy về phía trước mà không quay đầu lại. Sau đó, Paul tình cờ gặp được một nữ tài xế lái xe tải tốt bụng. Cô cho Paul đi quá giang đến một đồn cảnh sát gần đó.
Tuy nhiên, khi cảnh sát tới địa điểm xảy ra sự việc thì tên tài xế đã biến mất. Vì Paul không nhớ biển số xe nên vụ án nhanh chóng khép lại. Sau đó, anh cũng về nước. Khi bảy vụ mất tích xuất hiện rầm rộ trên báo chí, Paul liền nhớ lại trải nghiệm kinh hoàng năm xưa và vội vàng gọi điện cung cấp thông tin.
Qua miêu tả của Paul, cảnh sát Australia khoanh vùng được 32 kẻ tình nghi. Tuy nhiên, do Paul có việc riêng nên chưa thể đến Australia hỗ trợ công tác điều tra, cảnh sát cũng không gửi ảnh kẻ tình nghi vì lý do bảo mật.
Trong 32 người này, một tài xế xe tải tên Ivan Milat có mức độ tình nghi rất lớn. Sinh năm 1944, Ivan từng nhiều lần vào tù ra tội vì tội trộm cắp và từng bị khởi tố vì tội Bắt cóc và Xâm hại tình dục nhưng được tuyên vô tội.
Sát nhân trong khu rừng vắng
Sinh ngày 27/12/1945, Ivan Robert Marko Milta là con thứ 5 trong gia đình có 14 anh chị em. Những năm tháng đầu đời của Ivan trôi qua vô cùng êm ả trong giai đoạn Australia thời hậu chiến. Trong mắt hàng xóm, cậu bé Ivan có phần mờ nhạt hơn các anh chị em của mình.
Cha của Ivan làm việc trên các cầu cảng tại Sydney và được mô tả là người cha kỷ luật, nghiêm khắc. Nhưng càng lớn lên, những đứa trẻ càng nghịch ngợm, khó dạy dỗ. 7 trong số 10 anh em trai đều từng vi phạm pháp luật.
Bắt đầu từ những vụ trộm cướp, đánh nhau, Ivan ngày càng lún sâu vào những tội ác nghiêm trọng như xâm hại tình dục. Hắn ta là người ham mê bắn súng, thường đi săn trong khu rừng Belanglo, nơi thi thể các nạn nhân được tìm thấy. Ivan cũng thường khoe khoang với bạn bè về chiến tích bạo lực của mình.
Trở lại vụ án, chi tiết khiến cảnh sát đặc biệt lưu tâm là sau khi 7 nạn nhân được công bố, Ivan lập tức bán chiếc xe con màu bạc của mình. Điều này trùng khớp với chi tiết Paul từng miêu tả, tài xế tấn công anh lái chiếc xe màu bạc. Sau khi Ivan đột nhiên bán xe, cảnh sát đưa hắn ta vào diện tình nghi trọng điểm để triển khai điều tra.
Ngày 5/5/1994, Paul tới Australia phục vụ công tác điều tra. Cảnh sát cho anh xem hơn 30 bức ảnh chân dung của những người khác nhau để nhận diện nghi phạm. Khi xem đến ảnh của Ivan, Paul không chút do dự khẳng định đây là tên tài xế đã tấn công anh.
Đến ngày 22/5, sau khi chuẩn bị kĩ càng, hơn 50 cảnh sát bất ngờ khám xét nhà của Ivan, nằm ở phía Tây Nam Sydney. Họ nhanh chóng tìm thấy nhiều đồ đạc thuộc về 7 nạn nhân mất tích.
Ivan ngay lập tức bị bắt. Đến năm 1996, hắn ta bị tuyên án tù chung thân không được ân xá vì tội Mưu sát. Ngày 27/10/2019, hắn ta chết trong bệnh viện của nhà tù vì ung thư thực quản giai đoạn cuối.
Cho đến những phút cuối đời, Ivan vẫn không chịu thú nhận tội ác hay tiết lộ nguyên nhân nhắm vào các khách du lịch bụi. Chuyên gia tội phạm cho rằng, cách giải thích duy nhất cho hành vi này là chủ nghĩa bài ngoại đến ám ảnh và bộ óc của một kẻ tâm thần.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ke-gieo-rac-noi-am-anh-cho-du-khach-lV6wP4J7R.html