Kế hoạch 1.900 tỷ USD của ông Biden có đủ sức cứu kinh tế Mỹ?
Theo các chuyên gia, gói cứu trợ kinh tế 1.900 tỷ USD Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề xuất có thể thúc đẩy triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc phục hồi kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới.
Tổng thống đắc cử Mỹ - Joe Biden trong lễ nhậm chức hôm 20/1/2021 (giờ Mỹ). Ảnh: Getty
Trong tuần trước, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch tung gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của người đứng đầu đảng Dân chủ nhằm phục hồi nền kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, không có khoản trợ cấp nào từ chính phủ có thể khôi phục hoàn toàn nền kinh tế, cho đến khi đại dịch Covid-19 được giải quyết triệt để.
Theo nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - ông Mark Zandi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tăng vọt nếu chính quyền ông Biden được phép triển khai gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm có thể vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế.
Chỉ trong tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, nền kinh tế Mỹ đã mất đi hơn 22 triệu việc làm. Cuối năm 2020, lại thêm 140.000 người lao động thất nghiệp tại Mỹ. Hơn thế, ngay cả khi giải quyết được 12,5 triệu việc làm sau những tháng đỉnh dịch, vẫn còn khoảng 10 triệu người Mỹ không có việc làm.
Hãng phân tích Moody’s dự báo không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề thất nghiệp cho đến năm 2022, ngay cả khi gói kích thích của ông Biden được tung ra. “Chúng ta sẽ chứng kiến GDP tăng trưởng manh, nhưng còn phải mất từ 18-24 tháng để khôi phục lại hoàn toàn như thời điểm tiền đại dịch. Rất nhiều người không thể đi làm trở lại cho đến khi đại dịch kết thúc”, ông Zandi nhận định.
Các nhân viên y tế Mỹ biểu tình vì thiếu thiết bị khám chữa bệnh. Ảnh: Getty
Theo các chuyên gia y tế cộng đồng, diễn biến dịch bệnh sẽ tệ đi nhiều trước khi có vắc-xin phòng bệnh. Các ca mắc mới được ghi nhận, nhập viện và tử vong liên quan đến dịch Covid-19 tại Mỹ đang gần hoặc chạm mức kỷ lục. Điều đó có thể dẫn tới những lệnh phong tỏa mới tại nhiều bang.
Các loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 có triển vọng vẫn đang tiếp tục được phát triển, tuy nhiên, nhiều khả năng các đợt tiêm phòng trên diện rộng tại Mỹ sẽ không được triển khai cho đến mùa hè năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh tế sẽ trở lại chậm hơn mong đợi, nhất là các ngành dịch vụ. Giới quan sát cho rằng những biện pháp kích thích có thể giúp một số doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên, không phải tất cả.
“Từ góc độ chính sách kinh tế, khó có thể làm được gì nhiều khi đại dịch tiếp tục hoành hành”, ông Andrew Hunter – nhà kinh tế cao cấp tại Capital Economics – nhận định.
Cùng với việc tung gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, ông Biden cũng hứa sẽ tăng cường các nỗ lực tiêm chủng. Tuy nhiên, vẫn không đoán được những hứa hẹn này có thể thành công đến mức nào.
“Chúng ta đang triển khai việc tiêm phòng vắc-xin chậm hơn so với dự kiến. Điều này đè nặng nên những hy vọng về thời điểm có thể quay lại với cuộc sống tiền đại dịch”, chuyên gia thị trường cao cấp Edward Moya thuộc hãng tư vấn Oanda nhận xét.
Liệu sẽ thành công?
Quý II/2020, số lượng người lao động thất nghiệp ở Mỹ cao nhất từ năm 1940. Ảnh: Getty
Gói cứu trợ mà ông Biden đề xuất vẫn ít hơn một chút so với Đạo luật CARES được tung ra hồi tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, vị tổng thống đắc cử khẳng định đây chỉ là bước đầu tiên. Như vậy, kế hoạch ban đầu này có kích thước lớn gấp đôi so với gói cứu trợ 787 tỷ USD được cựu Tổng thống Barack Obama thông qua hồi năm 2009 – sau khi nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khoản tiền trong Đạo luật CARES có tác động đáng kể đến nền kinh tế. Số hồ sơ phá sản cá nhân đã giảm 31% trong năm 2020 xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Tuy nhiên, vấn đề là hàng loạt gói cứu trợ không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngay cả khi hàng triệu người lao động được trở lại làm việc, vẫn còn hơn 10 triệu người đang gặp khó khăn trong tìm việc làm. Trong khi đó, 6,2 triệu người chỉ tìm được công việc bán thời gian, trong khi 2,2 triệu người từ bỏ việc tìm việc làm mới. Thời điểm này, hầu hết các gói cứu trợ đã và sắp hết hạn.
Không rõ bao nhiêu trong số 1.900 tỷ USD do ông Biden đề xuất sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua. Ông Prakken của HIS Markit cho rằng con số cuối cùng có thể gần 1.000 tỷ USD, trong khi Moody’s ước tính chỉ khoảng 750 tỷ USD được thông qua. Tuy nhiên, theo ông Prakken, chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh hơn là việc gói kích thích được thông qua.