Kế hoạch 5 năm tới của Trung Quốc trước vô số 'làn gió ngược'

Với các làn gió ngược ở khắp các mặt trận kinh tế, ngoại giao, công nghiệp, chuyện đề ra kế hoạch năm năm tới đây của Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Khi các nhà hoạch định kế hoạch kinh tế của Trung Quốc vạch kế hoạch năm năm gần nhất (thời điểm năm 2015), họ đều nhận định rằng môi trường kinh doanh quốc tế lúc đó “chưa bao giờ phức tạp hơn”.

Nhưng có lẽ họ đã nói điều này quá sớm, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Vô số "làn gió ngược"

Thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh xem Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa các nền kinh tế lớn – là một trong những mối đau đầu chính.

Thời điểm này, TPP đã không còn nguyên vẹn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ rời đi. Tuy nhiên Trung Quốc lại phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn: một loạt chính sách đối đầu của Mỹ, tham vọng công nghệ của mình bị các lệnh trừng phạt của Mỹ chặn lại, tăng trưởng kinh tế bị chùng lại khi các thị trường nước ngoài phải vô cùng chật vật để hồi phục từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Trung Quốc sẽ phải lập kế hoạch năm năm trong thời điểm phải đối mặt vô số “làn gió ngược”. Ảnh: AFP/SCMP

Trung Quốc sẽ phải lập kế hoạch năm năm trong thời điểm phải đối mặt vô số “làn gió ngược”. Ảnh: AFP/SCMP

Trong bối cảnh này, Trung Quốc lại phải đưa ra kế hoạch năm năm mới (202102015) tại kỳ họp đảng dự kiến diễn ra từ ngày 26-10 đến ngày 29-10 tới, chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

“Trung Quốc đang nhìn thấy một sự không chắc chắn về mặt quốc tế nhiều hơn nhiều so với khi nước này soạn thảo kế hoạch năm năm gần nhất” – chuyên gia Shi Yinhong về các vấn đề quốc tế tại đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và là một cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhận định.

Theo ông Shi, với các làn gió ngược ở khắp các mặt trận kinh tế, ngoại giao, công nghiệp, chuyện đề ra kế hoạch năm năm tới đây sẽ gặp rất nhiều thách thức.

“Chúng ta có thể nói đây là thời điểm không chắc chắn nhất của môi trường quốc tế Trung Quốc từ năm 1976” – ông Shi nói, ý muốn nhắc đến năm Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy chủ trương kinh tế thị trường.

“Một mặt Trung Quốc cần phải có một số kế hoạch dài hạn như thiết lập mục tiêu tăng trưởng để ngăn sự chậm trễ trong bộ phận quan chức cấp thấp, nhưng cũng có rủi ro phải có sự điều chỉnh lớn nếu các kế hoạch quá chi tiết” – theo ông Shi.

Sẽ phải cần tới chiến lược “lưu thông kép”

Trong khi ông Shi nói về thách thức thì ông Deng Yuwen – cựu Phó Tổng biên tập báo Stuty Times thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc – có phần tự tin hơn.

Theo ông Deng, dù đang gặp áp lực ngày càng lớn ở cả hai mặt trận ngoại giao và kinh tế nhưng các lãnh đạo Trung Quốc thời gian qua có gợi ý đến một số chiến lược cho những năm tới.

Hồi tháng 5 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nói chiến lược “lưu thông kép” tập trung hơn vào thị trường nội địa sẽ là chiến lược tổng thể cho sự sống còn và phát triển thịnh vượng trong một thế giới thiếu ổn định và thù địch.

“Với chính sách lưu thông kép (xây dựng nền kinh tế nội địa có sức chống chịu trước các rủi ro từ bên ngoài, trong khi tiếp tục gia tăng vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu), đảng đang cố gắng xây dựng một giới hạn an toàn với các yếu tố không chắc chắn từ bên ngoài” – theo ông Deng.

Ông Zhao Xijun – Phó hiệu trưởng trường tài chính tại đại học Thanh Hoa cho rằng kế hoạch năm năm tới sẽ dùng chính sách “lưu thông kép” như một cách tiếp cận chính để đối phó các yếu tố không chắc chắn trên thị trường toàn cầu cũng như sự đối đầu từ phía Mỹ.

“Mọi nguồn lực sẽ được đổ cho chiến lược này, vốn xem kinh tế nội địa là ưu tiên. Nguồn lực này chủ yếu sẽ được đầu tư để cho ra được các sản phẩm mà Trung Quốc chưa tự làm ra được, đặc biệt trong các lĩnh vực vẫn phải phụ thuộc và bị phía Mỹ áp những hạn chế nặng nề” – theo ông Zhao.

“Gia cố những tấm ván ngắn”

“Gia cố những tấm ván ngắn” - kéo dài những tấm ván của thùng gỗ để nó có thể chứa được nhiều nước hơn – là một cụm từ đã và đang được các quan chức Trung Quốc sử dụng nhiều để nói đến việc tăng cường nguồn lực vào các điểm yếu trong nền kinh tế nước này để vực dậy các lĩnh vực đó. Trong số này có lĩnh vực công nghệ cao vốn phụ thuộc nhiều vào thiết bị cũng như kiến thức của Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Ảnh: SHUTTERSTOCK/SCMP

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Ảnh: SHUTTERSTOCK/SCMP

Ông Deng tự tin bằng việc “gia cố những tấm ván ngắn” Trung Quốc sẽ cạnh tranh vượt Mỹ bằng việc “sửa chữa các yếu tố dễ tổn thương nhất trong lĩnh vực công nghệ”.

Theo ông Zhao, Trung Quốc tới đây sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các tổ chức quốc tế mà Mỹ đang chủ trương tạo khoảng cách, củng cố quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chú trọng hơn nữa về Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong phiên tranh luận chung tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước, ông Tập nhắc lại cam kết của Trung Quốc với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu – một thỏa thuận Mỹ đã rút, đồng thời thông báo các mục tiêu về khí thải, trong đó có trung hòa khí carbon vào năm 2060.

Trung Quốc khả năng cũng sẽ ký thỏa thuận thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với 10 thành viên ASEAN cộng với Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand vào cuối năm nay.

Trung Quốc cũng nói mình hy vọng ký một thỏa thuận đầu tư lớn nữa với EU vào cuối năm nay.

Hong Kong có vai trò thế nào trong kế hoạch năm năm tới của Trung Quốc?

Theo Giáo sư luật Tian Feilong tại đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, kế hoạch năm năm của Trung Quốc khả năng sẽ đề cập Hong Kong nhưng sẽ không nói quá nhiều về vai trò của đặc khu này trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ chính phủ trung ương thời điểm này đã đi tới một kết luận rằng có sự khuyết thiếu trong sự sẵn sàng của Hong Kong để tham gia vào chiến lược tổng thể của Trung Quốc. Tuy nhiên mặt khác, danh sách những việc cần làm về tầm quốc gia vẫn ngày càng tăng thêm và đó có thể là một ý tưởng tốt để Hong Kong có thời gian phát triển sự gắn kết” – theo ông Tian.

Ông Tian cũng cho rằng phản ứng từ phía Mỹ sau việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong cũng làm gia tăng thêm sự thiếu chắc chắn về vai trò của đặc khu này với chiến lược tổng thể của Trung Quốc.

Thời điểm Bắc Kinh ra luật an ninh quốc gia với Hong Kong, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói thẳng là đặc khu này “không còn đủ quyền tự trị” để hưởng sự đối xử khác biệt với Trung Quốc đại lục. Ông Trump cũng trừng phạt nhiều quan chức hàng đầu Hong Kong, kể cả trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Bên cạnh lập kế hoạch kinh tế năm năm tới, kỳ họp đảng sắp tới dự kiến cũng sẽ thông qua một quy định mới cho Ủy ban Trung ương đảng, tập trung quyền lực về dàn lãnh đạo hàng đầu của đảng, SCMP dẫn thông tin từ thông báo chính thức của cuộc họp Bộ Chính trị tháng trước.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ke-hoach-5-nam-toi-cua-trung-quoc-truoc-vo-so-lan-gio-nguoc-943219.html