Kế hoạch bí mật của EU về khí đốt Nga và ảnh hưởng đối với xuất khẩu LNG của Mỹ
Ngành xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đang đứng trước hai ngã rẽ lớn.

EU đã đề xuất loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027. Ảnh Andrey Rudakov/Bloomberg
Theo dữ liệu từ S&P Global công bố tuần trước, nếu Liên minh châu Âu (EU) thực hiện đúng lộ trình loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga trước năm 2027, thì trong năm nay và năm tới, các quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho 45,5 triệu tấn LNG từ Mỹ mỗi năm nhiều khả năng sẽ được thông qua.
Ngược lại, nếu kế hoạch của EU không thành công và khí đốt Nga – dù chỉ ở mức “khiêm tốn” – sẽ quay lại thị trường châu Âu, cộng thêm việc châu Âu tiếp tục mua LNG từ dự án Arctic LNG 2 (hiện đang bị Mỹ trừng phạt), thì theo cảnh báo của S&P, khoảng 120 tỷ USD đầu tư vào ngành LNG của Mỹ sẽ bị đẩy vào thế rủi ro.
Hiện nay, Mỹ cung cấp khoảng 1/5 tổng lượng LNG nhập khẩu vào EU. Theo ông Ryan Peay, quan chức Bộ Năng lượng Mỹ, Washington kỳ vọng xuất khẩu LNG của nước này sẽ tăng gấp đôi vào đầu thập kỷ tới.
“Việc Nga còn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu hay không vẫn là yếu tố khó đoán nhất ảnh hưởng đến triển vọng mở rộng xuất khẩu LNG của Mỹ”, S&P nhận định.
Liệu EU có đủ quyết liệt để nói “không” với khí đốt Nga?
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) công bố lộ trình chi tiết nhằm loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ Nga khỏi hệ thống năng lượng của EU trước năm 2027. Một số điểm đáng chú ý trong kế hoạch này gồm: Yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch hơn về hợp đồng với các nhà cung cấp Nga; Bắt buộc các quốc gia thành viên nộp kế hoạch cụ thể về cách chấm dứt nhập khẩu dầu khí từ Nga; Cấm ký hợp đồng giao ngay với Nga từ nay đến cuối năm 2025, đồng thời kết thúc toàn bộ hợp đồng dài hạn trước năm 2027.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với kế hoạch này là vấn đề pháp lý. Ngoài EC, hầu như không ai dám chắc các công ty năng lượng có thể tự ý hủy hợp đồng với Nga mà không bị yêu cầu bồi thường nặng nề. Giới doanh nghiệp và các Bộ năng lượng châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về các rủi ro pháp lý này.
Bà Elisabetta Cornago – chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Cải cách châu Âu – nhận định: “Cách duy nhất để đảm bảo về mặt pháp lý đối với việc cấm hoàn toàn năng lượng từ Nga là thông qua các lệnh trừng phạt. Nhưng điều này đòi hỏi sự chấp thuận của toàn bộ các nước EU”.
Bà cũng chỉ ra rằng Hungary và Slovakia – hai quốc gia có xu hướng thân Nga – nhiều khả năng sẽ phản đối các biện pháp trừng phạt này.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ đã tìm ra một phương án mới cho phép thông qua kế hoạch mà chỉ cần đa số phiếu theo trọng số từ các nước thành viên, thay vì phải có sự chấp thuận hoàn toàn. Đề xuất này dự kiến sẽ được trình vào tháng 6 tới.
Hồi tháng 3/2022, ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước EU đã cam kết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu than đá, dầu mỏ và khí đốt từ Nga “càng sớm càng tốt”. Từ đó đến nay, theo lời một quan chức EU, “gần như toàn bộ thời gian của chúng tôi là để tìm kiếm cơ sở pháp lý nhằm hạn chế nhập khẩu từ Nga. Làm sao để thực hiện điều đó một cách an toàn, đúng luật, đồng thời tránh các rủi ro về pháp lý và kinh tế cho các doanh nghiệp và nhà cung cấp liên quan”.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên lại tỏ ra lúng túng. “Mặc dù đã nghiên cứu vấn đề này hơn hai năm nay, nhưng thật sự chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp nào khả thi ngoài các biện pháp trừng phạt – hoặc ít nhất là một hình thức tương tự”, một quan chức châu Âu khác cho biết.
Một khả năng đang được xem xét là viện dẫn sự thay đổi lớn trong khung pháp lý của EU kể từ khi xung đột bắt đầu, khiến cho việc thực hiện các hợp đồng như trước đây trở nên khó khăn. Theo chuyên gia Elisabetta Cornago, điều này có thể được xem là “trường hợp bất khả kháng” để các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Dù vậy, bà cũng cảnh báo: “Chiến lược này không hề đơn giản. Nếu doanh nghiệp đơn phương hủy hợp đồng, họ có thể sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tại tòa trọng tài quốc tế”.
Các nhà ngoại giao EU cho rằng việc tăng cường minh bạch trên thị trường khí đốt sẽ giúp truy xuất nguồn gốc từng lô hàng LNG và tạo sức ép buộc người mua phải cân nhắc kỹ hơn về nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng điều này vẫn chưa đủ để trở thành cơ sở pháp lý cho một lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Một số doanh nghiệp, như tập đoàn năng lượng Sefe của Đức – hiện vẫn đang nhập khẩu LNG từ Nga – cho biết họ đang nghiên cứu kỹ các tài liệu do Ủy ban châu Âu công bố. Dù vậy, thị trường gần như không phản ứng mạnh trước thông tin này, do giới đầu tư từ lâu đã dự báo việc EU sẽ dần loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga. Giá khí đốt chỉ nhích nhẹ vào thứ Ba tuần trước, lên 36,05 euro/MWh, rồi nhanh chóng giảm xuống dưới 35 euro/MWh.
Kế hoạch của EU được đưa ra trong bối cảnh khối này đang tiến hành các cuộc đàm phán song song nhằm xoa dịu Mỹ. Mục tiêu là cho thấy các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng cường mua LNG từ Mỹ – như một phần nỗ lực nhằm giảm thâm hụt thương mại và xoa dịu lập trường cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.
Một số đề xuất đã được đưa lên bàn thỏa luận, trong đó có việc sử dụng chương trình mua khí chung của EU để tập hợp nhu cầu toàn khối, qua đó trình cho Nhà Trắng như một bằng chứng rằng châu Âu có thể mua được một lượng khí lớn từ Mỹ.
Marco Alverà, CEO và đồng sáng lập Tree Energy Solutions – đơn vị điều hành một trong những cảng LNG lớn nhất châu Âu – hiện đang vận động các ủy viên EU ủng hộ sáng kiến thành lập “kho dự trữ khí chiến lược” cho toàn khối. Theo ông, kế hoạch này sẽ giúp “bảo lãnh” cho các hợp đồng LNG dài hạn mới, đồng thời củng cố vị thế của EU trong các cuộc đàm phán thương mại.
Về phía Mỹ, Chris Treanor – Giám đốc điều hành Page, một liên minh các nhà khai thác LNG – cho rằng EU cần thể hiện rõ cam kết tăng cường các hợp đồng LNG dài hạn, linh hoạt và phát thải methane thấp, trong đó bao gồm cả nguồn cung từ Mỹ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về định hướng cụ thể, Ủy viên Năng lượng EU Dan Jørgensen nói với trang Energy Source rằng vẫn còn “quá sớm” để đưa ra nhận định về cách Ủy ban châu Âu sẽ trình bày các mối quan tâm liên quan.
Một nhà ngoại giao EU lưu ý rằng việc Mỹ đẩy mạnh năng lực xuất khẩu LNG, với khoảng 45,5 triệu tấn/năm như S&P dự báo, có thể kéo theo những hệ quả không mong muốn, bao gồm rủi ro dư cung và áp lực giảm giá trên thị trường. “Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh các dự án LNG mới và cơ sở hóa lỏng ở Mỹ. Nếu quá nhiều dự án cùng đi vào hoạt động, nguồn cung tăng vọt sẽ kéo giá xuống, khiến hiệu quả đầu tư không còn như kỳ vọng”, ông cảnh báo.