Kế hoạch 'bom tấn' của hải quân Pháp
Như một bước đi nhằm củng cố chính sách răn đe hạt nhân của mình, Bộ Quân đội Pháp đã bắt tay vào triển khai một kế hoạch có thể coi là đầy tham vọng trong vài chục năm tới, đó là chế tạo 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (gọi tắt là SSBN) thế hệ thứ 3.
Theo kế hoạch được Tổng cục Vũ khí của Pháp công bố, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ thứ 3 của nước này sẽ do hai tập đoàn Naval Group và TechnicAtome tham gia chế tạo. Mới đây, đích thân Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly đã có mặt tại Val-de-Reuil, thuộc vùng Normandy để khởi động các nghiên cứu thiết chung cho kế hoạch này.
Hiện hải quân Pháp có 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đang phục vụ trong biên chế, đều là các tàu ngầm thuộc lớp "Le Triomphant", được thiết kế từ những năm 1980 và đưa vào hoạt động từ năm 1995. Tuy nhiên, dự kiến khoảng vài chục năm nữa, những chiếc tàu ngầm thế hệ thứ hai này sẽ đến tuổi “nghỉ hưu”. Theo trang navalnews.com, vì lý do đó mà giới chức quân sự Pháp cho rằng cần ngay lập tức thiết kế và phát triển các SSBN thế hệ thứ 3 nhằm bảo đảm khả năng răng đe hạt nhân với ít nhất một SSBN được triển khai ngoài khơi vào mọi thời điểm. Và, sau khi nhận được những kết quả nghiên cứu tích cực từ Tổng cục Vũ khí, Pháp đã lên kế hoạch phát triển các SSBN thế hệ thứ 3 thay cho các tàu ngầm lớp "Le Triomphant" nói trên vào năm 2035. Đây cũng là một phần quan trọng trong chương trình quân sự giai đoạn 2019-2025 của nước này.
Dù ngân sách cho hợp đồng đóng các SSBN thế hệ thứ 3 chưa được tiết lộ, song theo thông báo của Bộ Quân đội Pháp, kế hoạch củng cố các biện pháp răn đe hạt nhân chiếm khoảng 12,5% tổng ngân sách dành cho khí tài quân sự của Pháp.
Một số nguồn tin cho rằng, SSBN thế hệ thứ 3 sẽ kế thừa tối đa những thành tựu từ các tàu ngầm thế hệ thứ hai và tàu ngầm tấn công Barracuda. Tuy nhiên, ưu điểm của các SSBN thế hệ thứ 3 là có thể nâng cấp thường xuyên và cải thiện khả năng hoạt động. Ngoài ra, sự linh hoạt và khả năng tàng hình của loại tàu ngầm này cũng được cải thiện nhờ một lớp vỏ đặc biệt và các cảm biến siêu âm thuộc loại tốt nhất hiện nay. Các SSBN thế hệ thứ 3 của Pháp cũng có thiết kế phù hợp với các khí tài hiện có, bao gồm 16 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân M51 phiên bản mới. Dù chỉ mới được trang bị trên một tàu ngầm hạt nhân của Pháp từ năm 2018 và bắn thử lần đầu tiên vào năm 2020, song theo đánh giá của giới chức quân sự, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân M51 phiên bản mới tầm bắn 9.000km và có sức công phá lớn gấp 1.000 lần so với quả bom nguyên tử mà không quân Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945. Có lẽ cũng vì vậy mà SSBN thế hệ thứ 3 được đánh giá là một trong những khí tài quân sự mạnh nhất thế giới trong những năm tới.
Trang tin quân sự Defense News dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly cho biết, hải quân Pháp dự kiến sẽ nhận chiếc SSBN thế hệ thứ 3 đầu tiên vào năm 2035, trong khi 3 chiếc còn lại sẽ lần lượt được đưa vào biên chế của lực lượng này trong 15 năm tiếp theo. Bà Parly cũng tiết lộ rằng, những chiếc SSBN thế hệ thứ 3 sẽ dài hơn, nặng hơn, hoạt động im lặng hơn và có khả năng phòng thủ tốt hơn so với các tàu ngầm lớp “Le Triomphant”.
Được biết, người ta đã phải dành 15 triệu giờ cho việc nghiên cứu phát triển các SSBN thế hệ thứ 3, và ước tính sẽ phải mất thêm 20 triệu giờ làm việc nữa để chế tạo ra một chiếc tàu ngầm loại này. Ngoài ra, để cho ra đời một chiếc SSBN thế hệ thứ 3 còn cần tới tổng cộng khoảng 100.000 linh kiện và do đó, chỉ một vài quốc gia trên thế giới có khả năng chế tạo ra các tàu ngầm này.
“Thế giới đã trải qua những biến động sâu sắc từ năm 1961. Trong khi cách mà người ta phát động các cuộc chiến tranh không còn như trước, thì cách để chúng ta duy trì hòa bình vẫn không thay đổi. Như Tổng thống Pháp đã khẳng định, răn đe hạt nhân đang và sẽ tiếp tục là yếu tố chủ chốt trong việc bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ những lợi ích sống còn của nước Pháp”, bà Parly nhấn mạnh trong bài phát biểu ở Val-de-Reuil.
Chế tạo các SSBN thế hệ thứ 3 không chỉ là một kế hoạch “bom tấn” của ngành quốc phòng Pháp, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố chính sách răn đe hạt nhân dài hơi của nước này, bởi cả 4 chiếc SSBN nói trên đều được thiết kế để phục vụ cho đến năm 2090. Như cách nói vui của bà Parly, điều này có nghĩa là những thủy thủ cuối cùng phục vụ trên những chiếc SSBN thế hệ thứ 3... hiện vẫn chưa ra đời.