Kế hoạch Brexit mới - Hy vọng cuối cùng của Thủ tướng Boris Johnson

Anh đã gửi tới Liên minh châu Âu kế hoạch 'ra đi' mới nhằm giải quyết những khúc mắc mấu chốt giữa Anh và EU hiện nay.

Thủ tướng Anh Boris Johnson

Thủ tướng Anh Boris Johnson

Trong bối cảnh thời hạn chót để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang đến rất gần, ngày 2.10, Anh đã gửi tới Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch "ra đi" mới nhằm giải quyết những khúc mắc mấu chốt giữa Anh và EU hiện nay là vấn đề liên quan đến đường biên giới Bắc Ireland. Đây được xem là một kế hoạch mang tính quyết định của Thủ tướng Johnson nhằm hiện thực hóa kế hoạch đưa nước Anh rời khỏi EU đúng thời hạn chót vào ngày 31.10 tới.

Những bế tắc của thỏa thuận Brexit cũ

Tiến trình Brexit đã kéo dài được hơn 3 năm nhưng vẫn dằng dai và bế tắc. Nguyên nhân mấu chốt gây ra sự bế tắc này chính là vấn đề đường biên giới Ireland. Cả Anh và EU đều muốn tránh những thiệt hại nếu xuất hiện một “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Anh) sau khi Brexit xảy ra. Chính bởi vậy, trong thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May ký với EU hồi tháng 11.2018, hai bên đã nhất trí được về một điều khoản chốt chặn, theo đó thiết lập một “biên giới mở” giữa Anh và EU. Điều khoản này cho phép toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất. Tuy nhiên, ngay khi thỏa thuận trên được công bố, cho đến nay, các nghị sỹ Anh vẫn luôn bác bỏ vì cho rằng điều khoản “rào chắn” trên sẽ khiến Anh bị mắc kẹt trong liên minh thuế quan của EU vĩnh viễn. Vì thế mà thỏa thuận mà bà May đạt được với EU trên đã liên tiếp bị Quốc hội bác bỏ. Những bất đồng này cũng là nguyên nhân khiến nữ Thủ tướng Theresa May phải ra đi, để lại tiến trình Brexit dang dở cho Thủ tướng Boris Johnson.

Khi lên nắm quyền, Boris Johnson chủ trương sẽ thuyết phục EU loại bỏ điều khoản “chốt chặn” vốn gây bất đồng trên chính trường Anh thời gian qua. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Johnson vẫn chưa nhận được tín hiệu nào cho sự nhượng bộ của các nhà lãnh đạo EU về vấn đề này. Các đề xuất khác của Thủ tướng Johnson cũng vì thế không nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ trong Quốc hội Anh.

Kế hoạch Brexit mới mang tính quyết định

Trong bối cảnh thời điểm Brexit đã rất gần, ngày 2.10, Thủ tướng Johnson đã đưa ra đề xuất mới mang tính quyết định nhằm thay thế điều khoản “chốt chặn” vốn gây tranh cãi nhất trong dự thảo thỏa thuận Anh rời EU (Brexit). Đề xuất mới được Thủ tướng Johnson công bố trong bài diễn văn tại phiên bế mạc Đại hội thường niên của đảng Bảo thủ diễn ra ở thành phố Manchester và sau đó cũng đã được Anh gửi đến EU. Theo đó, nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, Thủ tướng Johnson đưa ra phương án mới trong đó có đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả các loại hàng hóa, đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này.

Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Theo đó, hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới vùng Bắc Ireland cũng sẽ trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của EU. Đây là điểm khác biệt lớn so với thỏa thuận Brexit cũ vốn muốn giữ toàn bộ Vương quốc Anh chứ không chỉ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu.

Tiếp đến, nhằm tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London đề xuất thiết lập hệ thống kê khai (Declaration system) để các tiểu thương thực hiện việc kê khai hàng hóa với một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế các doanh nghiệp "đáng tin cậy". Hệ thống này cho phép việc kiểm tra thực chất với các hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch hoặc một địa điểm cụ thể không phải ở biên giới của CH Ireland với vùng Bắc Ireland.

Dự kiến trước khi thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit kết thúc vào tháng 12.2020, cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland sẽ được yêu cầu thông qua dàn xếp kể trên và cứ 4 năm sau đó lại được xem xét lại một lần để quyết định xem sẽ tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu hay quay trở lại với Vương quốc Anh. Nếu sau 4 năm, Bắc Ireland quyết định không gia hạn và quay trở lại hoàn toàn với các quy định của Vương quốc Anh, Thủ tướng Johnson cũng cam kết sẽ không thiết lập kiểm soát hải quan tại biên giới hay gần biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland mà sẽ tiến hành bằng cách đơn giản hóa thủ tục hải quan trên mạng hoặc kiểm tra ngay tại các kho hàng của các công ty.

Tóm lại, về tổng thể có 2 điểm đáng lưu ý trong đề xuất mới này: một là, Thủ tướng Johnson kiên quyết đưa Vương quốc Anh khỏi ràng buộc của liên minh thuế quan châu Âu, qua đó có thể nhanh chóng tiến hành đàm phán các Hiệp định tự do thương mại mới với các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ; hai là, đã có một sự nhượng bộ đáng kể trong vấn đề Bắc Ireland, ở đây là việc tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh về mặt quy định hàng hóa trong một khoảng thời gian, điều mà trước đây đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) luôn phản đối và các chính phủ Anh cũng tương đối lo ngại.

Theo truyền thông Anh, ông Boris Johnson đã thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), đối tác trong Chính phủ liên minh Anh, ủng hộ đề xuất này. Bởi lâu nay DUP luôn phản đối bất cứ khả năng làm chia cắt nào giữa Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Thủ tướng Johnson khẳng định các đề xuất này sẽ bảo đảm tính thống nhất của thị trường chung châu Âu và vẫn bảo toàn được Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành vốn mang lại sự bình yên cho đảo Ireland sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Trong lá thư gửi kèm tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncke, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định thỏa thuận của ông đã loại bỏ điều khoản "chốt chặn" và rằng cần tìm cách tiếp cận mới thay thế.

Đã đến lúc các bên cần nhượng bộ

Phản ứng ngay sau khi kế hoạch mới của Thủ tướng Anh Johnson đưa ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đánh giá kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng Anh Boris Johnson có một số điểm tích cực, nhưng vẫn còn những vấn đề cần xem xét trong những ngày tới.

Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Anh ngày 2.10, Chủ tịch Juncker vẫn bày tỏ lo ngại về cơ chế hải quan mà phía Anh vừa đề xuất để tránh việc kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland-thành viên của EU. Trong đề xuất mới của Thủ tướng Johnson thì điều khoản "chốt chặn Ireland" trong thỏa thuận giữa Anh và EU hồi tháng 11.2018 đã được loại bỏ, song EC thì vẫn luôn khẳng định rằng điều khoản "chốt chặn" này là cần thiết để bảo vệ cùng lúc hòa bình ở Bắc Ireland và tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất EU. Vì thế Chủ tịch Juncker nhấn mạnh rằng hai bên cần làm việc thêm trong những ngày tới, đặc biệt là về các nội dung liên quan đến việc quản lý "chốt chặn".

Bên cạnh đó, Chủ tịch Juncker tái khẳng định lại lập trường của EU rằng bất kỳ sự thay thế nào cho "chốt chặn" phải đạt được cùng một kết quả. Đó là hai bên phải đưa ra được một giải pháp hoạt động hợp pháp, đáp ứng tất cả các mục tiêu như ngăn chặn việc thiết lập một đường biên giới cứng, duy trì hợp tác Bắc-Nam, bảo vệ nền kinh tế của đảo Ireland, duy trì thị trường đơn nhất của EU cũng như vị trí của CH Ireland trong thị trường này.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier thì khẳng định đề xuất mới nhất của Thủ tướng Anh đã có những tiến bộ, song "vẫn còn nhiều việc phải làm" để có thể cho phép nước Anh ra đi trong trật tự vào ngày 31.10 tới. Ông nêu rõ Brexit không thỏa thuận sẽ không bao giờ là lựa chọn của EU và hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán.

Về phía Ireland, điện đàm với người Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 2.10, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho rằng các đề xuất mới của London về Brexit không đáp ứng hoàn toàn những mục tiêu đã được nhất trí, đó là duy trì đường biên giới mềm và bảo đảm dòng chảy thương mại tự do. Ngoài ra phía Ireland còn cho rằng, việc giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu trong thời gian ngắn 4 năm, từ cuối 2020 đến 2025 sẽ chỉ làm gia tăng bất an cho nền kinh tế Bắc Ireland. Mặc dù vậy, Thủ tướng Ireland Varadkar vẫn khẳng định sẽ nghiên cứu chi tiết hơn, và tham vấn với các cơ quan EU, bao gồm Nhóm đặc trách và các đối tác EU về kế hoạch này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đề xuất mới của Anh nhằm thiết lập một loạt trung tâm thông quan cũng có thể sẽ vấp phải thách thức pháp lý ở Ireland, do Đạo luật về việc ra khỏi EU 2019 cấm xây dựng hoặc thiết lập bất cứ cơ sở hạ tầng mới nào không tồn tại trước Brexit, kể cả điểm kiểm tra hải quan tại biên giới.

Trước những phản ứng hoài nghi từ EU, Bộ trưởng phụ trách điều phối kế hoạch Brexit không thỏa thuận của Anh là ông Michael Gove cũng đã lạc quan tuyên bố rằng kế hoạch mới nhiều khả năng sẽ nhận đủ sự ủng hộ để được Quốc hội Anh thông qua, vì thế ông cho rằng EU cần có niềm tin từ việc này.

Giới quan sát thì nhận định bản đề xuất mới được cho là thỏa thuận cuối cùng, như một “tối hậu thư” mà ông Johnson muốn gửi đến EU. Bởi nếu EU không chấp thuận, Anh sẽ vẫn rời khỏi khối này đúng hạn vào ngày 31.10 mà không cần bất cứ thỏa thuận nào.

Trong bối cảnh đó, để có thể đạt được một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU trước thời hạn chót là ngày 31.10 tới, các nhà phân tích cho rằng đã đến lúc EU cần phải có một số nhượng bộ. Đúng như lời Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh James Cleverly đã nói: "Đây là thời điểm của thực tế. EU cần thừa nhận rằng nếu có bất kỳ động thái nào mà họ có thể thực hiện, bất cứ nhượng bộ nào mà họ có thực thi, thì hiện thời điểm để làm điều đó do Anh sẽ không tìm cách trì hoãn (Brexit)".

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/ke-hoach-brexit-moi---hy-vong-cuoi-cung-cua-thu-tuong-boris-johnson-117729