Kế hoạch của ông Biden sẽ kéo tiền rời chứng khoán châu Á về Mỹ?
Gói cứu trợ kinh tế khổng lồ của ông Biden có thể gây tác động đảo chiều với luồng vốn rót vào khu vực châu Á thời gian qua.
Theo CNBC, kế hoạch ban hành gói kích thích kinh tế mới của tân tổng thống Mỹ đắc cử có thể gây tác động chuyển dịch luồng vốn đầu tư từ thị trường châu Á sang Mỹ.
James Sullivan, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Á ngoài thị trường Nhật của JPMorgan, nhận định các thị trường mới nổi của châu Á sẽ gánh chịu tác động tiêu cực từ kế hoạch cứu trợ kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD của ông Joe Biden.
Trước khi thông tin về gói hỗ trợ kinh tế Mỹ được đưa ra, “hầu hết nhà đầu tư đều đánh giá tích cực về châu Á và các thị trường mới nổi so với Mỹ”. Vị chuyên gia từ JPMorgan ghi nhận trong hơn 18 tuần liên tiếp chứng kiến luồng vốn tích cực đổ vào thị trường châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Với tình hình mới, “nhiều khả năng” các quỹ bắt đầu chuyển hướng đầu tư ra khỏi khu vực để quay lại thị trường Mỹ, tận dụng các động thái thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ của tân tổng thống đắc cử.
Trước đó, ông Joe Biden đã công bố kế hoạch đối phó với đại dịch Covid 19 và tái khởi động nền kinh tế nước này tại nhà hát Queen hôm 14/1 tại Wilmington, Delaware. Với gói cứu trợ mang tên Kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ, bao gồm các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các gia đình và doanh nghiệp nước này cho đến khi vaccine phòng ngừa Covid -19 được phân phối rộng rãi. Trong đó, các chương trình chi trả và hỗ trợ thất nghiệp cũng được thực hiện.
Thông tin này ngay lập tức khiến hầu hết thị trường chứng khoán chính của châu Á tăng nhẹ, bất chấp các bất ổn kinh tế do sự kiện luận tội tổng thống Donald Trump lần thứ 2 được đưa ra. Hy vọng về một khoản kích thích khổng lồ được bơm thêm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạm thời lấn át các lo ngại về các ca nhiễm Covid 19 tiếp tục bùng nổ.
Trước đó, báo cáo của JPMorgan từng đưa ra dự báo ảm đạm về tăng trưởng kinh tế Mỹ, với mức sụt giảm 2% do các gói kích thích tài khóa còn hạn chế. Tuy nhiên, “sau khi tính đến gói kích thích tài chính trị giá 900 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế Mỹ từ giảm 2% sẽ được cải thiện thêm thêm 70 điểm”, Sullivan cho biết.
Và với thông tin mới nhất về gói kích thích 1.900 tỷ USD của ông Biden vừa đưa ra, gấp đôi các dự báo trước của JPMorgan, đồng nghĩa với một tín hiệu “tích cực đột biến" cho thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Mỹ.
Vị chuyên gia nhận định "dòng vốn đã liên tục đổ vào thị trường châu Á trong vài tháng trước. Và giờ sẽ là thời điểm đảo ngược điều này”. Cũng theo dự đoán của Sullivan, thị trường vốn của Trung Quốc sẽ nằm trong số các khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi tiêu cực này.