Kế hoạch hành động trí tuệ nhân tạo của Mỹ có ý nghĩa gì đối với châu Á

Theo các nhà phân tích và giám đốc điều hành công nghệ, tác động của kế hoạch hành động này dự kiến sẽ vượt ra ngoài biên giới Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố "kế hoạch hành động" về trí tuệ nhân tạo (AI) hôm 23.7, thiết lập một cách tiếp cận chủ yếu là không can thiệp, ủng hộ đổi mới để quản lý công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng và các ngành công nghiệp liên quan.

Kế hoạch này, được chính quyền ông Trump dự tính từ lâu, dài 28 trang, có tựa đề Chiến thắng trong cuộc đua: Kế hoạch hành động AI của Mỹ. Kế hoạch có ba chủ đề chính bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính và để ngỏ khả năng ngăn chặn các quy định cấp tiểu bang về AI; cải cách các quy định cấp phép và cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu AI và sản xuất chất bán dẫn; và kêu gọi các nước khác áp dụng các mô hình AI và cơ sở hạ tầng công nghệ từ Mỹ thay vì Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về AI ở Washington ngày 23.7. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về AI ở Washington ngày 23.7. Ảnh: AFP/Getty Images

"Mỹ là quốc gia khởi đầu cuộc đua AI, và với tư cách là Tổng thống Mỹ, hôm nay tôi ở đây tuyên bố rằng Mỹ sẽ chiến thắng", ông Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về AI ở Washington D.C.

Những tiến bộ của công nghệ DeepSeek của Trung Quốc và chip do Huawei và các công ty Trung Quốc khác sản xuất đã gây lo ngại tại Mỹ rằng nước này đang mất đi vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang và các lãnh đạo công nghệ khác đã kêu gọi nới lỏng các quy định xuất khẩu chip để AI được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ của Mỹ.

Kế hoạch hành động của Hoa Kỳ bắt nguồn từ sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump ký hồi tháng 1.2025, thay thế các hướng dẫn quản trị AI của chính quyền Joe Biden, vốn ưu tiên thiết lập các rào cản để ngăn chặn việc lạm dụng AI của khu vực công và tư nhân.

Cách tiếp cận thúc đẩy tăng trưởng và nới lỏng quy định mới này của chính quyền được coi là một thắng lợi lớn cho các nhà sản xuất chip như Nvidia và AMD, cũng như các nhà phát triển AI và các nhà điều hành trung tâm dữ liệu như Microsoft, Google và Amazon.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và giám đốc điều hành công nghệ, tác động của kế hoạch hành động này dự kiến sẽ vượt ra ngoài biên giới Mỹ.

Scott Singer, một học giả thỉnh giảng chuyên về phát triển AI toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, nhận định: "Theo một số cách, những gì Mỹ làm trong lĩnh vực AI là quan trọng nhất, vì họ nắm giữ nguồn cung. Họ có tất cả các nhà phát triển AI lớn".

Trong khi Liên minh châu Âu đã thông qua luật AI toàn diện đầu tiên trên thế giới có tên là EU AI Act, và Trung Quốc đã ban hành một số quy định về cách các mô hình và ứng dụng AI phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, thì phần lớn thế giới vẫn đang chờ xem công nghệ AI sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào.

Ông Singer nhận định thêm rằng mọi người đang theo dõi xem Mỹ sẽ đi đến đâu trong lĩnh vực này, và hầu hết mọi người đều không muốn đi trước vì công nghệ này còn non trẻ và việc cân bằng giữa đổi mới và quy định luôn rất khó khăn.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là những nước đầu tiên chịu ảnh hưởng từ chế độ quản trị AI mới của chính quyền Mỹ.

Một giám đốc điều hành tại một công ty bán dẫn Hàn Quốc chia sẻ với Nikkei Asia rằng động thái của Washington nhằm thúc đẩy xuất khẩu công nghệ Mỹ, bao gồm nới lỏng các quy định xuất khẩu chip tiên tiến và tăng cường xây dựng trung tâm dữ liệu, sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho các công ty Mỹ như Nvidia, mà còn cho các công ty AI ngoài Mỹ và các nhà cung cấp của họ.

Vị giám đốc điều hành này nhận định rằng “khi Mỹ hành động, toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ sẽ bị rung chuyển, và lần này là một tin tốt".

Theo học giả Singer, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể không hoàn toàn đồng điệu với Mỹ về cách thức quản lý ngành công nghiệp AI, nhưng hai nước này sẽ theo dõi sát sao để biết chính xác vị thế của Mỹ. Các chuyên gian nhận định hai nước châu Á này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách thức quản lý AI trên toàn cầu do “vai trò thiết yếu của họ trong chuỗi cung ứng AI”.

Kế hoạch hành động AI của chính quyền Trump nhấn mạnh Mỹ cần phải tận dụng vị thế dẫn đầu hiện tại trong phát triển AI và xây dựng một "liên minh toàn cầu bền vững", đồng thời ngăn chặn "các đối thủ lợi dụng sự đổi mới và đầu tư của chúng ta".

Tuy nhiên, vẫn có chuyên gia nghi ngờ cách tiếp cận của chính quyền Trump chưa hẳn là mô hình tốt cho các chính phủ khác áp dụng.

"Thay vì làm gương cho các quốc gia khác, Mỹ cũng có thể là một bài học cảnh báo mà các quốc gia khác sẽ theo dõi cẩn thận để học hỏi cách họ đã thất bại trong quản trị AI và những điều không nên làm", Xiaomeng Lu, Giám đốc bộ phận địa công nghệ tại tổ chức tư vấn Eurasia Group, nhận định.

Ông Xiaomeng Lu cho rằng cách tiếp cận của chính quyền ông Trump có thể có lợi cho sự phát triển AI, đặc biệt là đối với sự phát triển của một số công ty tư nhân, nhưng nó cũng để lại rất nhiều thách thức. Thí dụ như “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra? Và họ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?”

Hơn nữa, mặc dù phần lớn kế hoạch hành động của Mỹ tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua AI, nhưng vẫn có thể đến một lúc nào đó Washington và Bắc Kinh hợp tác trong việc quản lý AI.

"Nếu bạn muốn chiến thắng trong cuộc đua AI, bạn phải tự hỏi, 'Bạn đang chiến thắng trong cuộc đua nào?' và, 'Bạn sẽ đi về đâu?'. "một thí dụ đơn giản, nếu một thảm họa AI xảy ra ở Mỹ hoặc Trung Quốc, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ, người Trung Quốc hoặc mọi người trên thế giới mà chẳng có ai chiến thắng”, học giả Singer chỉ ra.

Trong bài phát biểu về kế hoạch, ông Trump cho biết Mỹ phải "có khả năng tuân thủ cùng một bộ quy tắc" với Trung Quốc nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua AI. Ông lập luận rằng vì Trung Quốc chưa đặt ra bất kỳ quy tắc nào ngăn chặn các mô hình ngôn ngữ lớn sử dụng nội dung có bản quyền, nên Mỹ cũng không nên làm như vậy. Ông cũng cho biết ông muốn có những quy tắc tương tự như của Trung Quốc về lòng yêu nước.

"Có lẽ điều quan trọng nhất là, chiến thắng trong cuộc đua AI sẽ đòi hỏi một tinh thần yêu nước và lòng trung thành dân tộc mới ở Thung lũng Silicon. Chúng tôi cần các công ty công nghệ Mỹ hết lòng vì nước Mỹ. Chúng tôi muốn các bạn đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Các bạn phải làm điều đó, đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu," Tổng thống Trump nói.

Kế hoạch hành động AI liên tục đề cập rằng các mô hình AI phải phản ánh "các giá trị của Mỹ".

Ngoài kế hoạch hành động AI của Mỹ, Tổng thống Trump đã ký ba sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo, tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thúc đẩy xuất khẩu công nghệ AI của Hoa Kỳ và đảm bảo chính phủ liên bang sẽ không sử dụng AI "thức tỉnh" (woke AI), bao gồm cả AI tạo ra kết quả theo đuổi các tư tưởng về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Lan Chi (lược dịch từ Nikkei Asia)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ke-hoach-hanh-dong-tri-tue-nhan-tao-cua-myco-y-nghia-gi-doi-voi-chau-a-49205.html