Kế hoạch không gian của châu Âu gặp thêm thử thách

Một 'cơn gió ngược' vừa thổi vào kế hoạch tái chinh phục không gian vũ trụ của châu Âu.

Cụ thể, Le Monde ngày 28-6 đưa tin, Tổ chức khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu (Eumetsat) đã hủy kế hoạch sử dụng tên lửa đẩy thế hệ mới Ariane 6 do Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) hợp tác với Tập đoàn ArianeGroup của Pháp thực hiện, để chuyển sang tên lửa Falcon 9 được cung cấp bởi Tập đoàn SpaceX của Mỹ để phóng vệ tinh thời tiết MTG-S1. Điều này đồng nghĩa với việc Eumetsat quyết định từ bỏ hợp đồng đã ký với Arianespace cách đây 4 năm.

Động thái trên được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi chỉ còn 2 tuần nữa Arianespace-công ty con của ArianeGroup-dự kiến tiến hành vụ phóng đầu tiên của Ariane 6. Không nêu chính xác lý do khiến Eumetsat “quay lưng” với Arianespace để hợp tác cùng SpaceX, song Le Monde đánh giá quyết định của Eumetsat là đòn giáng mới nhất đối với nỗ lực không gian của châu Âu. “Đây là điều đáng thất vọng trong bối cảnh tất cả các cường quốc phát triển sứ mệnh không gian ở khu vực cũng như Ủy ban châu Âu (EC) đang kêu gọi việc phóng vệ tinh của châu Âu trên các bệ phóng của châu Âu”, Le Monde dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) Philippe Baptiste đăng trên mạng xã hội Linkedin.

Một tên lửa Ariane 6 trên bệ phóng ở căn cứ vũ trụ Kourou tại Guyana thuộc Pháp. Ảnh: AFP

Một tên lửa Ariane 6 trên bệ phóng ở căn cứ vũ trụ Kourou tại Guyana thuộc Pháp. Ảnh: AFP

Mặc dù có thiết kế với tính năng tương đương Falcon 9 của SpaceX nhưng dự án Ariane 6 đang thua kém đáng kể đối thủ. Theo Le Monde, Ariane 6 được đặt hàng triển khai tổng cộng 30 nhiệm vụ tính đến thời điểm này, với tần suất phóng trung bình 9 lần/năm, trong khi Falcon 9 được lên kế hoạch thực hiện 144 lần phóng chỉ riêng trong năm nay. Ngoài ra, một ưu điểm vượt trội của Falcon 9 so với Ariane 6 là tên lửa của SpaceX có thể tái sử dụng.

Trong bối cảnh cuộc đua khám phá vũ trụ trở nên sôi động hơn bao giờ hết, châu Âu lại tỏ ra loay hoay và chậm chân khá lâu. Đơn cử, dự án Ariane 6-được kỳ vọng sẽ là cơ hội để mở đường cho tương lai của ngành hàng không vũ trụ châu Âu và cho phép khu vực giữ vai trò độc lập trong lĩnh vực này-bị trì hoãn tới 4 năm và chưa sẵn sàng thay thế Ariane 5, vốn đã thực hiện sứ mệnh cuối cùng vào giữa năm ngoái. Trước đó, châu Âu dự kiến phóng Ariane 6 vào năm 2020, song đại dịch Covid-19 ập đến và nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh khiến tên lửa này không thể hoạt động. Đồng thời, Vega-C, phiên bản mới của tên lửa cỡ nhỏ Vega của Italy, cũng chưa sẵn sàng cho đến cuối năm 2025, sau thất bại trong lần phóng thương mại đầu tiên vào tháng 12-2022. Mặt khác, cuộc xung đột ở Ukraine còn buộc châu Âu phải dừng mọi hoạt động hợp tác với tên lửa Soyuz của Nga. Những khó khăn đó đang khiến châu Âu mất hoàn toàn khả năng tiếp cận không gian kể từ tháng 2-2022.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi ngoài Mỹ và Nga, châu Âu còn phải chứng kiến cạnh tranh trong lĩnh vực không gian ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của hai “nhân tố mới nổi” là Trung Quốc và Ấn Độ cũng như nhiều đơn vị tư nhân như Blue Origin, Orbital ATK, ViaSat... Một báo cáo của hãng đầu tư tài chính Citigroup ước tính giá trị ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu có thể đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2040.

Cuối năm ngoái, nhằm mở đường cho kế hoạch tái chinh phục không gian vũ trụ của châu Âu, 3 “ông lớn” trong lĩnh vực này của khu vực là Pháp, Đức và Italy đã đạt được thỏa thuận về bảo đảm “khả năng tiếp cận không gian một cách tự chủ và độc lập”. Theo thỏa thuận đạt được, dự án Ariane 6 có thể hưởng lợi từ khoản trợ cấp nhà nước 340 triệu euro mỗi năm, trong đó Pháp sẽ cung cấp 55% con số trên, Đức khoảng 20% và phần còn lại sẽ được phân bổ giữa Italy, Tây Ban Nha và Bỉ.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ke-hoach-khong-gian-cua-chau-au-gap-them-thu-thach-5013282.html