Kế hoạch lỗ năm thứ 5, HKB tham vọng dự án điện mặt trời 300 triệu USD
Thu không đủ bù chi, HKB dự kiến tiếp tục lỗ năm thứ tư liên tiếp, với 56 tỷ đồng trong năm 2023.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (UPCoM: HKB) lên kế hoạch tổng doanh thu vỏn vẹn 6 tỷ đồng, nhích nhẹ 7% so năm 2022. Thu không đủ bù chi, HKB dự kiến tiếp tục lỗ năm thứ tư liên tiếp, với 56 tỷ đồng.
Theo HKB, biến động của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty như "sức khỏe" nhân sự, việc gặp gỡ xúc tiến hợp tác đầu tư, khai thác kho bãi, triển khai phát triển nguồn vốn và tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh...
Dù vậy, HKB cũng lên chiến lược tái cơ cấu phát triển 5 năm (2020-2025), trong đó sắp xếp và chuyển đổi một số nhà xưởng sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, triển khai một số dự án đầu tư quan trọng trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại quỹ đất Công ty Tấn Hưng, nâng cao hiệu quả khai thác kho bãi, khôi phục lại lĩnh vực chế biến kinh doanh nông sản xuất khẩu.
Theo đó có thể kể đến một số dự án của HKB như sản xuất điện năng lượng mặt trời áp mái 3MWp (bắt đầu khai thác từ năm 2021 trên 2 nhà máy tại KCN Nhơn Hòa Bình Định).
Đồng thời sản xuất điện mặt trời nông trại 500 MWp hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để phát triển dự án này của Công ty Tấn Hưng. Dự án này đặt tại Đắk Lắk có giá trị đầu tư dự kiến khoảng 240 - 300 triệu USD...
Nhìn lại năm 2022, HKB thực hiện được gần 5,6 tỷ đồng tổng doanh thu và tiếp tục thua lỗ gần 59 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ liên tục, HKB lại đang ghi nhận số dư khoản tạm ứng của ông Nguyễn Chí Đặng là hơn 4 tỷ và ông Phạm Thanh Bình tới 47,5 tỷ từ năm 2016 đến nay chưa được hoàn ứng, chưa xử lý thu hồi được. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của HKB ở mức 369 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 165 tỷ đồng.