Kế hoạch lớn của Tổng thống Trump khi đón Thủ tướng Israel
Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trong tuần tới, khi ông đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ngày 7/4. (Ảnh: AP)
Nhóm đàm phán đang thu hẹp khoảng cách giữa Hamas và Israel để có thể tiến tới thỏa thuận thả con tin và chấm dứt hành động quân sự.
Ông Netanyahu sang thăm Mỹ vào thời điểm nước này mới kết thúc chiến dịch tấn công Iran và chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mà ông Trump làm trung gian.
Việc Mỹ ném bom các cơ sở hạt nhân Iran đã gây chia rẽ gay gắt trong lực lượng ủng hộ Tổng thống Trump, khi một số người cảm thấy bị phản bội vì lời cam kết của ông là sẽ tránh các cuộc chiến tranh mới.
Tổng thống Trump cho biết sẽ "rất kiên quyết" với ông Netanyahu về việc chấm dứt xung đột. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận vào tuần tới", ông nói với các phóng viên ngày 1/7.
Hamas đang cân nhắc có nên chấp nhận đề xuất sửa đổi thỏa thuận ngừng bắn trong 60 ngày do các bên trung gian gồm Qatar và Ai Cập đưa ra hay không. Ngày 2/7, Hamas cho biết các bên "đang nỗ lực hết sức để thu hẹp khoảng cách và đạt được một thỏa thuận khung để mở đường cho vòng đàm phán nghiêm túc".
Israel mong đợi Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Trump sẽ công bố thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận với các quốc gia Ả-rập láng giềng khác trong chuyến thăm lần này. “Đây sẽ là chuyến thăm rất quan trọng”, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon cho biết.
Về lý thuyết, ông Netanyahu đang có nhiều đòn bẩy để tiến tới thỏa thuận hòa bình, bất chấp sự phản đối của các thành viên cực hữu trong nội các của ông. Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này tăng mạnh sau chiến dịch tấn công Iran mà Mỹ tham gia.
Các quan chức Israel nêu rõ quan điểm, rằng thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa là họ không còn lựa chọn tiếp tục chiến đấu. “Đó không phải là cam kết chấm dứt chiến tranh”, Đại sứ Danon cho biết.
Theo phiên bản cập nhật nhất của thỏa thuận, Hamas sẽ thả 28 con tin Israel, gồm 10 người còn sống và 18 thi thể, trong giai đoạn ngừng bắn kéo dài 60 ngày. Viện trợ sẽ được đưa vào Dải Gaza ngay lập tức “với số lượng đủ”, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine.
Sau khi 8 con tin còn sống đầu tiên được thả vào ngày đầu tiên thỏa thuận có hiệu lực, Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ rút khỏi một số khu vực ở phía bắc Dải Gaza; sau ngày thứ 7, quân đội sẽ rút khỏi một số khu vực ở phía nam.
Hamas sẽ không được phép tổ chức lễ trao trả con tin trên truyền hình như đã làm trong giai đoạn ngừng bắn trước đó. Đến ngày thứ 10, Hamas sẽ cho biết những con tin nào vẫn còn sống và tình trạng ra sao, còn Israel sẽ cung cấp thông tin về hơn 2.000 người Palestine đã bị lực lượng Israel bắt trong chiến tranh và vẫn bị giam giữ.
Israel cũng sẽ phải thả một số lượng lớn người Palestine đang bị giam giữ để đổi lấy các con tin.
Trong nhiều tháng qua, tiến trình đàm phán bị đình trệ và đổ vỡ vì điểm nghẽn cơ bản: Israel muốn lệnh ngừng bắn tạm thời để giải cứu con tin, nhưng không phải là chấm dứt chiến tranh, còn Hamas yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và rút toàn bộ quân đội Israel khỏi Dải Gaza.
Bế tắc đó đã làm tê liệt những nỗ lực hòa giải của Đặc phái viên tổng thống Mỹ Steve Witkoff nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Thỏa thuận sửa đổi bao gồm các đảm bảo của ông Trump đối với thỏa thuận và các bên tiếp tục đàm phán để đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, trong đó sẽ thả tất cả con tin.
Ông Hesham Youssef, một nhà ngoại giao Ai Cập đã nghỉ hưu, cho rằng Hamas có thể cảm thấy họ "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc chấp nhận thỏa thuận của Mỹ.
"Thế giới Ả-rập yếu đuối và không ủng hộ họ đạt được điều gì đó tốt hơn, và cũng bởi vì sự đau khổ đã lên đến mức không thể chịu đựng được. Tất nhiên là vì họ (Hamas) đã trở nên yếu hơn rất nhiều", ông Youssef nói.