Kế hoạch mở điểm giao dịch tại siêu thị của Techcombank gặp trở ngại lớn?

Mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ. Do đó, Techcombank có thể phải cần một quy định mới cho mô hình điểm giao dịch trong siêu thị của ngân hàng.

Đầu tháng 6, Techcombank đã kết hợp với một nhà bán lẻ để mở điểm giao dịch đầu tiên trong mô hình CV Life – Một điểm đến đa tiện ích. Điểm giao dịch này cung cấp đầy đủ các dịch vụ chuyển tiền, nộp rút tiền mặt, mở tài khoản và phát hành thẻ…

Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch của Techcombank được lãnh đạo ngân hàng chia sẻ hồi đầu năm nay. Theo đó, ngân hàng sẽ kết hợp với các nhà bán lẻ để cung cấp các dịch vụ tài chính đến người dân mà không cần đến chi nhánh hay phòng giao dịch.

Mô hình của Techcombank tương tự như Bangkok Bank đang kết hợp với hệ thống 7-Eleven tại Thái Lan. Ở đây các cửa hàng tiện lợi đóng vai trò như đại lý của ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản với chi phí thấp và tính tiện lợi cao.

Tuy vậy tương tự như tại Thái Lan (mất 3 năm từ khi đề xuất đến khi triển khai), Techcombank có thể gặp phải trở ngại lớn với kế hoạch này do các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng.

Cụ thể, hiện nay việc mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại được kiểm soát bởi Thông tư số 21 năm 2013 và các văn bản sửa đổi của NHNN. Trong đó số chi nhánh phụ thuộc vào quy mô vốn điều lệ từng ngân hàng và số phòng giao dịch phụ thuộc vào số chi nhánh. Quy định này cũng loại bỏ hình thức điểm giao dịch và yêu cầu các ngân hàng phải chuyển đổi các điểm giao dịch cũ thành phòng giao dịch, nếu không phải chấm dứt hoạt động trong thời gian nhất định.

Mở rộng mạng lưới luôn là một trong các mục tiêu quan trọng của các ngân hàng mỗi năm nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng và cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là huy động vốn. Nhưng mục tiêu này luôn đi kèm với điều kiện phải tăng vốn điều lệ tương ứng.

Do đó, nếu Techcombank được phép mở số lượng lớn điểm giao dịch trong thời gian tới với đẩy đủ chứng năng mở tài khoản, mở thẻ, nộp rút tiền và chuyển tiền sẽ tạo ra lợi thế vô cùng lớn. Điều này chắc chắn khiến các ngân hàng thương mại khác đứng ngồi không yên.

Nhưng rõ ràng các điểm giao dịch này của Techcombank cần có một quy định mới được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (tương tự như mô hình đại lý ngân hàng tại Thái Lan). Điều này thông thường cần nhiều thời gian từ việc lên dự thảo, lấy ý kiến và ban hành.

Điểm giao dịch đầu tiên của Techcombank tại một siêu thị mini ở Hà Nội

Điểm giao dịch đầu tiên của Techcombank tại một siêu thị mini ở Hà Nội

Sau khi mở điểm giao dịch đầu tiên, Techcombank chưa có động thái mới về việc nhân rộng mô hình CV Life. Ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc thường trực của Techcombank mới đây cho biết, ngân hàng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm mô hình. Dù có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên mô hình vẫn phải đáp ứng đẩy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối năm 2020, Techcombank có 309 chi nhánh trên cả nước, thuộc nhóm ngân hàng tư nhân có mạng lưới lớn nhất hệ thống. Tuy vậy nhờ chiến lược đẩy mạnh số hóa dịch vụ ngân hàng, tỷ trọng các giao dịch kênh chi nhánh của Techcombank hiện chỉ còn 1,6%, trong số hơn 360 triệu giao dịch trong nửa đầu năm nay. Hay tỷ lệ tiền gửi có kỳ hạn của KHCN tại ngân hàng thực hiện qua các kênh trực tuyến đã vượt quá 50%, tiền gửi tại quầy chỉ còn dưới 50%.

Hoạt động số hóa dịch vụ ngân hàng cũng giúp tối ưu chi phí (tỷ lệ chi phí trên thu nhập- CIR là 28%) đồng thời Techcombank tiếp tục duy trì tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) cao nhất ngành ngân hàng (3,7%), theo các số liệu cập nhật 6 tháng đầu năm 2021.

Nhờ đó ngân hàng báo lãi trước thuế 11.536 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 71% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các tác động của dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng từ cuối tháng 4.

Ngân hàng đang hướng đến mục tiêu 19.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay nhờ nhu cầu tín dụng tiếp tục ổn định (6 tháng đầu năm Techcombank đã tăng trưởng tín dụng 11%) và chi phí huy động vốn thấp. Kết quả là chênh lệch lãi suất (NIM) của Techcombank hiện ở mức rất cao, khoảng 5,6% tính trên 12 tháng gần nhất.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ke-hoach-mo-diem-giao-dich-tai-sieu-thi-cua-techcombank-gap-tro-ngai-lon-1627009131206.htm