Kế hoạch nâng tuổi kết hôn của phụ nữ Ấn Độ đối mặt nhiều thách thức
Ấn Độ đã quyết định nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp cho phụ nữ từ 18 lên 21, tương đương nam giới, nhằm đảm bảo các em gái có thể hoàn thành chương trình giáo dục và giúp phát triển kinh tế.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngày 16/12, Chính phủ Ấn Độ đã nhất trí về dự luật tăng độ tuổi tối thiểu được phép kết hôn đối với nữ giới từ 18 lên 21 tuổi. Đây là quyết định được thống nhất trong cuộc nhóm họp Nội các diễn ra vào tối ngày trước đó. Chính phủ Ấn Độ sẽ bổ sung quy định trên vào Luật cấm tảo hôn năm 2006, sửa đổi Luật Hôn nhân đặc biệt năm 1954 và Luật hôn nhân theo pháp luật của người Hindu năm 1955.
Lần đầu tiên sau 40 năm, động thái sửa đổi độ tuổi kết hôn hợp pháp của nữ giới đã được Ấn Độ đưa ra, sau khi dữ liệu phát triển con người cho thấy kết hôn sớm đe dọa đến việc giáo dục cho trẻ em gái, làm gia tăng tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và suy dinh dưỡng. Theo Điều tra Sức khỏe Gia đình Quốc gia 2019-21, có tới 23% trẻ em gái Ấn Độ đã kết hôn trước 18 tuổi.
Vào năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi đã đề cập đến dự luật này, ông tuyên bố: “Để đảm bảo dinh dưỡng cho các bé gái và sản phụ, điều cần thiết là chúng phải kết hôn đúng độ tuổi”. Ông Modi cho rằng chính phủ luôn quan tâm đến sức khỏe của nữ giới tại nước này.
Nhà kinh tế Soumya Kanti Ghosh đã viết trong một báo cáo vào đầu năm nay rằng việc tăng độ tuổi kết hôn làm giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ ở Ấn Độ. “Về mặt tài chính, phụ nữ sẽ có cơ hội theo đuổi giáo dục và sự nghiệp cao hơn và trở nên có quyền lực về tài chính”, bà nói.
Priti Mahara, Giám đốc Nghiên cứu và Vận động chính sách của Child Rights and You, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New Delhi, cho biết tác động của tảo hôn đối với trẻ em gái là suốt đời.
“Bé gái có nhiều khả năng phải nghỉ học, không có khả năng kiếm tiền và hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Các em có nhiều khả năng sẽ mang thai khi vẫn còn là một đứa trẻ và chưa sẵn sàng - cả về thể chất lẫn tinh thần - để trở thành một người mẹ”, Mahara nói và cho biết nhiều khả năng các cô gái trẻ tử vong do các biến chứng khi mang thai và sinh nở. Điều này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và các bà mẹ.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng đề xuất này khó trở thành hiện thực. Ấn Độ có thể thông qua dự luật này một cách hiệu quả, nhưng họ sẽ không thể giải quyết được thực trạng xã hội và văn hóa ở quốc gia này, là nguyên nhân gây ra vấn đề này.
Họ đưa ra một dẫn chứng biết đạo luật cấm hồi môn nghiêm ngặt đã hoàn toàn không có tác dụng trước một tập tục cổ hủ đã tồn tại từ nhiều đời nay. Một số gia đình đã tìm chồng cho con gái họ trước 18 tuổi do áp lực kinh tế và các luật pháp hiện hành dường như không thể ngăn chặn điều đó.
Ở vùng nông thôn Ấn Độ, các gia đình cũng phải đối mặt với áp lực lớn từ xã hội trong việc ép các cô gái phải kết hôn trước 18 tuổi. Ông Prem Kumar, sống tại Dhanachuli, miền bắc Ấn Độ cho biết người dân trong làng đã lên án ông vì “không tìm được chồng” cho cô con gái 18 tuổi của mình.
“Họ chỉ trích tôi vì đã để con gái độc thân quá lâu và khiến tôi sợ hãi khi nói rằng con tôi sẽ có mối quan hệ với một chàng trai nào đó và khiến gia đình tôi và cả làng xấu hổ”, ông nói.
Ở hầu hết các khu vực của đất nước, vào thời điểm một cô gái dậy thì, xã hội yêu cầu cô gái phải kết hôn để tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, đây là một điều cấm kỵ. Đó chính là yếu tố văn hóa cốt lõi mà các nhà phê bình cho rằng đạo luật mới không thể cản trở.
Các nhà quan sát cũng cho biết mặc dù đề xuất mới có thể giúp nhiều phụ nữ trẻ theo học đại học hơn, nhưng kết quả còn phụ thuộc vào tài chính của cha mẹ họ, những người phải chi trả học phí cho con mình. Ngoài ra, trên thực tế, theo một báo cáo của Diễn đàn Quyền được giáo dục, có tới 40% trẻ em gái trong độ tuổi 15-18 tại Ấn Độ không đi học.
Asha Srivastava, giáo viên tại một trường nông thôn ở phía bắc Dundlod, Rajasthan, cho biết: “Đây là điều khó có thể trở thành hiện thực. Đầu tiên chúng ta phải đưa các bé gái đến trường trước khi mơ về những cô gái theo học đại học”.