Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Nam Định đến năm 2025
Ngày 8/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND về phát triển hạ tầng số (HTS) tỉnh Nam Định đến năm 2025.
Kế hoạch nêu rõ đến năm 2025, mạng viễn thông băng rộng di động phải đạt các chỉ tiêu: Số thuê bao băng rộng di động đạt 85 thuê bao/100 dân; 95% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; 90% tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 70Mb/s; tỷ lệ thôn, xóm được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí BTS đạt 30%. Mạng viễn thông băng rộng cố định có: số thuê bao băng rộng cố định đạt 25 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt 100%; tốc độ băng rộng cố định (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 150Mb/s; tỷ lệ thôn, xóm được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%. Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây đảm bảo cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh và 90% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh phục vụ chuyển đổi số (CĐS) của các cơ quan Nhà nước có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; trung bình mỗi người dân trưởng thành có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Hạ tầng công nghệ số đảm bảo từng bước triển khai, tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại, như: Công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT… hỗ trợ hiệu quả cho chương trình CĐS của tỉnh; thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thúc đẩy hệ thống quản trị số tại các cơ quan Nhà nước phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nền tảng số có tính chất hạ tầng đảm bảo: 100% cơ quan Nhà nước thường xuyên sử dụng nền tảng số quốc gia và các nền tảng số dùng chung phục vụ CĐS của tỉnh trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp. 70% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện CĐS trong các doanh nghiệp. Kế hoạch cũng đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm phải đảm bảo gồm: Hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; phát triển hạ tầng công nghệ số và nền tảng số có tính chất hạ tầng.
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch thành công, UBND tỉnh đưa ra 7 nhóm các giải pháp về: Cơ chế, chính sách; ưu tiên phát triển hạ tầng số thiết yếu; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; đo lường, quản lý, giám sát; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng số; tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng của các ngành khác...; hướng dẫn doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phù hợp với các quy hoạch; phối hợp với sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc triển khai phát triển HTS của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.