Kế hoạch phi thực tế sẽ cản trở quá trình gọi vốn
Tạo ra 'game' tăng vốn nhưng với mức giá không hấp dẫn, điều này đã dẫn tới nhiều đợt gọi vốn bất thành của doanh nghiệp niêm yết.
Kỳ vọng rồi thất vọng
Chưa bao giờ con đường gọi vốn của doanh nghiệp lại gặp nhiều thách thức như trong vòng hơn 1 năm qua khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Trong đó, điển hình tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG, DIC Corp), sau khi Dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (Dự án Tân Long) liên tục đội vốn do chậm đền bù và giải phóng mặt bằng, cũng như tiềm lực hạn chế, Công ty đã liên tục lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức hồi tháng 4/2022, DIC Corp đã thông qua phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 30.000 đồng/cổ phiếu. Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra tháng 10/2022, Công ty đã thông qua phương án điều chỉnh giá chào bán xuống còn 15.000 đồng/cổ phiếu sau khi ĐHĐCĐ bất thường lần I tổ chức bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham gia.
Và mới đây nhất, trong tháng 2/2023, DIC Corp đã công bố dời thời gian chào bán 100 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cổ phiếu từ quý I/2023 sang quý II đến quý III/2023. Bên cạnh đó, DIC Corp cũng điều chỉnh phương án sử dụng vốn. Toàn bộ số vốn thu được dự kiến là 1.500 tỷ đồng vẫn được sử dụng cho đầu tư Dự án Tân Long. Trong đó, chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng tăng 220 tỷ đồng; chi phí xây lắp tăng 50 tỷ đồng; tiền sử dụng đất được giữ nguyên là 200 tỷ đồng; và không còn mục lãi trái phiếu và chi phí tư vấn.
Nhưng bất ngờ lại một lần nữa diễn ra, ngày 21/4, DIC Corp thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thực tế, tới cuối năm 2022, DIC Corp chỉ sở hữu 422,8 tỷ đồng và đầu tư tài chính, chiếm 2,9% tổng tài sản và mới đây, Công ty mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn để giảm dư nợ trái phiếu về 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ phiếu DIG với diễn biến bán tháo, cộng với gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và cổ đông lớn liên tục giảm sở hữu, điều này cũng gây nên sự hoài nghi với cam kết gắn bó với Công ty, đỉnh điểm ĐHĐCĐ bất thường 1 lần không tổ chức khi tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài cao, tỷ lệ thực sự của nhóm cổ đông lớn và Ban Lãnh đạo không đáng kể khi hai công ty không còn cổ đông là tổ chức.
Cụ thể, từ ngày 11/1/2022 đến ngày 15/11/2022, cổ phiếu DIG giảm 89% từ 91.800 đồng về 10.100 đồng/cổ phiếu và hiện tại đang giao dịch 17.100 đồng/cổ phiếu (ngày 21/4/2023).
Tương tự như DIC Corp, tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG), mức đỉnh của cổ phiếu là 13.850 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/9/2022, tăng 98,4% so với ngày 17/6/2022 (giá 6.980 đồng/cổ phiếu). Trong đó, động lực tăng trưởng giá cổ phiếu đến từ kỳ vọng Công ty giới thiệu mô hình kinh doanh mới “Heo ăn chuối”, với kỳ vọng sẽ giúp Công ty sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về kế hoạch huy động vốn, tháng 5/2022, HAGL lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động 1.700 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi mục đích huy động vốn, cuối cùng vào cuối tháng 4/2023, HAGL thông báo hủy đợt gọi vốn do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.
Thực tế, tính tới ngày 21/4/2023, cổ phiếu HAG giao dịch ở mức 7.890 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 24,9% so với giá chào bán.
Điểm đáng lưu ý, thay vì tham vọng mở rộng “heo ăn chuối” như kế hoạch cuối năm 2022, trong năm 2023, HAGL dự kiến duy trì quy mô 7.000 ha chuối; quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt/năm.
Điểm chung của HAGL và DIC Corp đó là lên kế hoạch huy động vốn khi giá cổ phiếu tăng cao, sau đó giá thị trường giảm sâu, thấp hơn cả giá chào bán, vì vậy các đợt gọi vốn đều không thể thực hiện.
Thách thức đợt gọi vốn của Năm Bảy Bảy
Câu chuyện của HAGL và DIC Corp cũng đang diễn ra tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB), thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Ước tính, Công ty sẽ phát hành thêm 50.079.897 cổ phiếu để huy động 751,2 tỷ đồng. Trong số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng đầu tư bổ sung nguồn vốn dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi và 328,8 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi - Bình Thuận.
Với giá thị trường ngày 21/4 là 12.850 đồng/cổ phiếu, ước tính, giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông đang cao hơn 16,7% giá thị trường.
Việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá cao hơn giá thị trường đã đặt ra vấn đề rằng, có phải sẽ không hấp dẫn khi các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu trực tiếp trên sàn với mức giá thấp hơn, mà không mất thời gian dài chờ đợi cổ phiếu về tài khoản, điều này đã là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều đợt gọi vốn của các doanh nghiệp bất thành như DIC Corp, HAGL…
Thêm nữa, việc gọi vốn của Năm Bảy Bảy với mục đích đầu tư vào mảng bất động sản tại các tỉnh đang ở thời điểm mà nhà đầu tư đang nghi ngại về khó khăn của thị trường vẫn chưa qua đi.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ke-hoach-phi-thuc-te-se-can-tro-qua-trinh-goi-von-d188439.html