Kế hoạch ra đời tiêm kích F-55 hai động cơ của Tổng thống Trump có khả thi?

Nhiều chuyên gia hàng không và quốc phòng đã bày tỏ nghi ngại sâu sắc đối với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc nâng cấp tiêm kích F-35 thành một phiên bản mới có tên F-55 với hai động cơ.

Theo National Interest, giới chuyên gia cho rằng ý tưởng này đòi hỏi phải thiết kế lại hoàn toàn khung máy bay, về cơ bản sẽ tạo ra một loại máy bay hoàn toàn mới, chứ không đơn thuần là một biến thể nâng cấp của F-35.

Một máy bay chiến đấu F-35 trình diễn trong triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế ILA tại Đức năm 2024 - Ảnh: Reuters

Một máy bay chiến đấu F-35 trình diễn trong triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế ILA tại Đức năm 2024 - Ảnh: Reuters

Đề xuất F-55 gây tranh cãi

Trong một bài phát biểu tại Doha (Qatar), ông Trump tuyên bố Mỹ đang phát triển một biến thể "nâng cấp vượt trội" của F-35, với cấu hình hai động cơ. “Chúng tôi sẽ chế tạo chiếc F-35 với bản nâng cấp rất lớn. Và nó sẽ có hai động cơ, vì tôi không thích máy bay động cơ đơn. Nếu đạt được mức giá hợp lý, chúng tôi sẽ làm điều đó”.

Tuy nhiên, ông Trump không nêu rõ lý do cụ thể phản đối động cơ đơn, ngoài việc ám chỉ nguy cơ trục trặc kỹ thuật khi chỉ có động cơ duy nhất.

Trên thực tế, thiết kế F-35 ban đầu đã được lựa chọn là một động cơ nhằm mục tiêu giảm chi phí, tăng hiệu suất nhiên liệu và đơn giản hóa quá trình bảo dưỡng. Động cơ F135 do Pratt & Whitney phát triển đã được coi là đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu chiến đấu, trong khi vẫn đảm bảo chi phí và khả năng triển khai ở quy mô lớn.

Chuyên trang quốc phòng The War Zone cho biết việc chuyển đổi F-35 thành một máy bay hai động cơ như F-55 sẽ “đòi hỏi thiết kế lại hoàn toàn khung thân và nhiều hệ thống phụ”. Đặc biệt, sự phức tạp càng tăng thêm khi F-35 hiện tại có 3 biến thể khác nhau gồm F-35A tiêu chuẩn, F-35B cho khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và F-35C dành cho tàu sân bay.

Trong đó, biến thể F-35B với hệ thống quạt nâng độc đáo là một thách thức không nhỏ. Theo các chuyên gia, việc tích hợp thêm động cơ thứ 2 “gần như không khả thi” đối với biến thể này vì không còn không gian và cấu trúc phù hợp để bố trí động cơ bổ sung.

Các nhà phân tích đều đồng thuận rằng nếu ý tưởng F-55 thành hiện thực, đây không thể coi là phiên bản nâng cấp của F-35 mà sẽ là một thiết kế mới hoàn toàn.

“Việc bổ sung một động cơ thứ 2 không chỉ đòi hỏi thay đổi toàn bộ thiết kế khung máy bay mà còn kéo theo các hệ thống khí động học, cửa hút gió, đuôi và cánh. Đây không còn là F-35 nữa. Nó sẽ là một máy bay khác”, ông J.J. Gertler, nhà phân tích cấp cao của Teal Group, chia sẻ với Breaking Defense.

Gertler so sánh rằng việc gọi F-55 là phiên bản nâng cấp của F-35 cũng giống như “gọi một biệt thự là một căn nhà gỗ được cải tạo”. Thêm vào đó, việc thiết kế lại khung thân lớn hơn, mạnh hơn để chứa hai động cơ sẽ khiến máy bay nặng hơn, có thể làm giảm khả năng linh hoạt, ẩn thân của tiêm kích.

Một vấn đề thực tế khác là ngân sách. Không quân Mỹ đã chọn Boeing để phát triển F-47, mẫu máy bay thế hệ thứ 6 trong khuôn khổ chương trình NGAD (Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo). Việc tài trợ cùng lúc cho cả NGAD và một chương trình F-55 hoàn toàn mới sẽ là một thách thức lớn về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang siết chặt kiểm soát chi tiêu quốc phòng.

Defense Express cũng cho rằng nếu F-55 là một thiết kế mới, cần đặt câu hỏi lớn về sự cần thiết của nó, vì việc bổ sung một động cơ thứ 2 có thể khiến chi phí tăng đáng kể mà chưa chắc mang lại hiệu quả tương xứng. Việc bảo dưỡng, huấn luyện và hậu cần cho một dòng máy bay hoàn toàn mới cũng sẽ tiêu tốn ngân sách khổng lồ.

Ngoài chi phí và thiết kế lại kỹ thuật, một rủi ro khác là đánh mất khả năng tàng hình vốn là ưu thế lớn nhất của F-35. “Thay đổi lớn như thêm động cơ sẽ ảnh hưởng toàn bộ đến khả năng quan sát thấp của máy bay”, bà Stacie Pettyjohn, Giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định.

Theo bà, mọi tính toán về hình dạng, góc cạnh và chất liệu bề mặt của F-35 đều được tối ưu hóa cho mục tiêu tàng hình. Bất kỳ thay đổi nào, đặc biệt ở động cơ, có thể buộc các kỹ sư phải tính toán lại toàn bộ cấu trúc máy bay để duy trì mức tàng hình hiện tại.

Khó khả thi

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump dường như đề xuất F-55 như một phương án khả thi để cải tiến năng lực của F-35, nhưng không đưa ra cơ sở kỹ thuật hay tài chính cụ thể cho đề xuất này. Một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu đây có phải là gợi ý vô tình liên quan đến một chương trình tuyệt mật khác, chẳng hạn như F/A-XX của hải quân Mỹ, hay chỉ là quan điểm cá nhân.

Hiện tại, chương trình F/A-XX nhằm thay thế F/A-18 Super Hornet, vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi. Dù đã có thông tin rằng hợp đồng sắp được trao vào tháng 3 năm nay, các báo cáo mới cho thấy tiến độ đang chậm lại và có thể bị trì hoãn nhiều năm.

Trong cuộc đua giành hợp đồng chế tạo tiêm kích thế hệ tiếp theo này, Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman là ba cái tên sáng giá. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Lockheed Martin, nhà sản xuất F-35 đã bị loại khỏi danh sách rút gọn.

Trong khi mong muốn cải tiến năng lực không quân là hợp lý, đề xuất của ông Trump về một F-55 hai động cơ thực chất không đơn thuần là nâng cấp F-35, mà là tạo ra một chương trình tiêm kích hoàn toàn mới với chi phí, rủi ro và thời gian phát triển khổng lồ.

Hiện tại, không quân Mỹ đã có lộ trình rõ ràng cho máy bay thế hệ tiếp theo qua chương trình NGAD, và hải quân đang theo đuổi F/A-XX để thay thế Super Hornet. Trong bối cảnh này, việc khởi động thêm một chương trình như F-55 là điều khó khả thi cả về kỹ thuật lẫn ngân sách.

F/A-XX là chương trình phát triển tiêm kích thế hệ mới của hải quân Mỹ, được thiết kế để thay thế F/A-18E/F Super Hornet – loại máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay đang phục vụ trên các tàu sân bay. Đây là một phần trong sáng kiến NGAD với mục tiêu duy trì và mở rộng ưu thế trên không trong môi trường tác chiến hiện đại, nơi các đối thủ như Trung Quốc và Nga đang phát triển các hệ thống phòng không và tiêm kích ngày càng tiên tiến.

F/A-XX hướng tới việc tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như khả năng tàng hình thế hệ mới, hệ thống cảm biến hợp nhất, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tác chiến, khả năng phối hợp với máy bay không người lái và mạng lưới chiến đấu đa miền. Máy bay này có thể thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất, đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tác chiến của hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.

Chương trình hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu phát triển ban đầu, với các nhà thầu lớn như Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman cạnh tranh thiết kế. Thời điểm đưa vào vận hành dự kiến đầu năm 2030.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ke-hoach-ra-doi-tiem-kich-f-55-hai-dong-co-cua-tong-thong-trump-co-kha-thi-232793.html