Kế hoạch tăng cường năng lực chống UAV của Hàn Quốc
Trang Defense News dẫn lời nhà báo David Hambling nhận định đợt xâm nhập của máy bay không người lái (UAV) Triều Tiên cuối năm ngoái cùng hai vụ việc tương tự năm 2014 và 2017 cho thấy một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng mà Hàn Quốc phải đối mặt.
Sáng 26.12.2022, 5 UAV xâm nhập không phận Hàn Quốc – trong đó 1 chiếc bay đến tận thủ đô Seoul.
Giới chức Hàn Quốc tuyên bố 5 UAV không bay gần cơ sở an ninh quan trọng. Nhưng chúng hoạt động bên trong lãnh thổ nước này suốt vài giờ đồng hồ.
Lực lượng vũ trang không thể tiêu diệt UAV ngay cả khi triển khai chiến đấu cơ, trực thăng tấn công và bắn cảnh cáo. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố trực thăng đã bắn tổng cộng 100 phát.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết 1 chiếc bay trở về Triều Tiên sau 3 giờ ở Hàn Quốc, số còn lại biến mất khỏi radar quân sự.
Sau vụ việc, Hàn Quốc triển khai thiết bị trinh sát tiếp cận, thậm chí bay qua biên giới chụp ảnh loạt căn cứ quân sự quan trọng ở Triều Tiên.
Theo David Hambling – nhà báo chuyên viết về công nghệ và tác chiến UAV, vụ việc mới xảy ra cùng hai vụ tương tự năm 2014 và 2017 cho thấy một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng mà Hàn Quốc phải đối mặt: UAV xâm nhập đủ lâu để chụp ảnh cũng như thu thập thông tin tình báo.
Triều Tiên được cho đang tăng cường năng lực tác chiến UAV. Một báo cáo năm 2016 của Liên hợp quốc ước tính nước này sở hữu khoảng 300 UAV các loại.
Chuyên gia Ken Gause (Trung tâm Phân tích Hải quân) nhận định quân đội Hàn Quốc không thể nào không biết nỗ lực phát triển máy bay không người lái của phía Triều Tiên, nhưng UAV từ nước láng giềng quá tinh vi, bay được thành đội, lại tránh được phát hiện khiến họ bất ngờ.
Khó tiêu diệt UAV
Một số chuyên gia cho rằng sở dĩ Hàn Quốc không thể tiêu diệt UAV Triều Tiên vừa xâm nhập đơn giản vì chúng rất phức tạp và khó đối phó.
“Các hệ thống phòng không được thiết kế để đối phó mối đe dọa tương đối lớn, di chuyển nhanh như máy bay có người lái, tên lửa, trực thăng. Nhiều hệ thống còn bỏ qua vật thể nhỏ bay chậm ở tầm thấp để tránh tấn công nhầm chim trời”, theo nhà báo Hambling.
Ông giải thích thêm: “UAV nhỏ và mang ít thành phần kim loại hơn máy bay thông thường nên chúng “tàng hình” một cách tự nhiên với radar”.
Trung tướng JCS Kang Shin-chul thừa nhận Hàn Quốc thiếu khả năng phát hiện và tiêu diệt UAV trinh sát sải cánh dưới 3 mét. Tuy nhiên họ có radar cùng nhiều thiết bị phát hiện và tiêu diệt máy bay không người lái tấn công lớn hơn.
Nhà nghiên cứu Bruce Bennett (tổ chức Rand) cho biết Hàn Quốc lâu nay không tập trung tăng cường năng lực chống UAV mà ưu tiên máy bay chiến đấu và hải quân. Ngoài ra ngân sách quân sự hạn chế, vấn đề nhân khẩu học, thiếu hụt nhân lực kể từ năm 2005 khiến quy mô quân đội bị thu hẹp.
Kế hoạch tăng cường năng lực chống UAV
3 ngày sau khi vụ xâm nhập không phận xảy ra, quân đội Hàn Quốc tổ chức tập trận chống UAV quy mô lớn. Pháo phòng không trên bộ, 20 chiến đấu cơ, trực thăng tấn công cùng thiết bị không người lái được huy động.
Đây là cuộc tập trận chống UAV quy mô lớn đầu tiên của Hàn Quốc từ năm 2017 đến nay.
Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, phân bổ khoảng 440 triệu USD cho nỗ lực chống UAV chẳng hạn như phát triển vũ khí laser trên không cùng hệ thống gây nhiễu UAV cỡ nhỏ.
Năm 2021, Cơ quan quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc công bố dự án phát triển hệ thống phòng không bằng laser đối phó UAV cỡ nhỏ. Công ty Hanwha được chỉ định là nhà phát triển vũ khí thử nghiệm.
Hanwha dự kiến hoàn thành vũ khí vào năm 2023, năm 2024 tiến hành sản xuất, vài năm tới phát triển hệ thống laser đặt trên xe tải.
Hiện tại công ty đang cố gắng cải thiện tính cơ động bằng cách phát triển hệ thống nhỏ gọn hơn và nhẹ hơn, cũng như đa dạng hóa uy lực laser để đối phó nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Ngoài ra Hàn Quốc còn thành lập một phi đội thứ ba chuyên giải quyết mối đe dọa từ UAV, đấu thầu phát triển hệ thống gây nhiễu UA.
Giới chuyên gia cho rằng phải làm nhiều hơn nữa. Nhà nghiên cứu Bennett nhận định Hàn Quốc không chỉ cần đối phó UAV, mà còn bảo vệ hệ thống GPS.
Triều Tiên có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển năng lực gây nhiễu đối phó vũ khí dẫn đường bằng GPS mà Hàn Quốc và các đồng minh Mỹ có thể triển khai nếu xảy ra xung đột. Nước này duy trì một đơn vị cỡ trung đoàn tập trung vào việc gây nhiễu tín hiệu GPS gần thủ đô Bình Nhưỡng, trước đây từng sử dụng thiết bị cùng công nghệ định vị vệ tinh do Nga sản xuất để gây nhiễu tín hiệu gần biên giới.
“Kinh nghiệm Triều Tiên tích lũy được 20 năm qua đảm bảo UAV nước này khó bị gây nhiễu hơn”, nhà nghiên cứu Bennett lưu ý.
Nhà báo Hambling đề xuất Hàn Quốc tiến hành đánh già toàn diện các hệ thống phòng không để tìm ra và khắc phục yếu kém. Chuyên gia Gause có cùng quan điểm, đồng thời nhắc nhở xác định điểm phóng UAV cũng như lập danh sách điểm phóng khả dĩ rất quan trọng.