Kế hoạch tham vọng của EU về khí đốt Azerbaijan có nguy cơ bị phá sản
Căng thẳng mới giữa Azerbaijan và Armenia có thể khiến Brussels gặp rắc rối với nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng khí đốt từ Trung Á.
Theo Politico.eu ngày 10/4, khí đốt và dầu từ Azerbaijan rất quan trọng đối với EU nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch của Nga - nhưng điều đó có nguy cơ bị phá sản trong bối cảnh khối này nỗ lực trở thành một bên có ảnh hưởng ở Nam Caucasus bị chiến tranh tàn phá.
Gần đây, EU đã gửi một phái đoàn dân sự để giúp cảnh sát Armenia khi căng thẳng ở khu vực biên giới với Azerbaijan có nguy cơ leo thang, nhưng Azerbaijan cảnh báo về "sự can thiệp của nước ngoài" vào các vấn đề của họ.
Đồng thời, một báo cáo của Nghị viện châu Âu đã chỉ trích vấn đề nhân quyền của Azerbaijan đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ nước này.
Tất cả những điều đó đang phủ bóng đen lên thỏa thuận của EU với Azerbaijan nhằm tăng gấp đôi lượng cung cấp khí đốt hàng năm cho châu Âu lên 20 tỷ mét khối vào năm 2027.
Phát biểu trong điều kiện giấu tên, một quan chức cấp cao trong cơ quan ngoại giao của EU đã phàn nàn về việc EU triển khai phái đoàn giám sát dường như đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Brussels và Azerbaijan. “Chúng tôi đã hy vọng về một kịch bản khác với Baku. Chúng tôi đang chia sẻ tất cả thông tin liên quan về các cuộc tuần tra và những nội dung khác với Azerbaijan vì chúng tôi không muốn có bất kỳ vấn đề nào”, vị quan chức trên nêu rõ.
Với việc Nga bị phân tâm bởi cuộc xung đột ở Ukraine, Brussels hy vọng sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở Nam Kavkaz, xây dựng quan hệ kinh tế với Azerbaijan đồng thời hỗ trợ chính trị cho nước láng giềng Armenia trong nỗ lực giữ cân bằng giữa hai quốc gia đối địch.
Nhưng Baku lại đang nhìn nhận với quan điểm khác. Trong một bài phát biểu, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc đối đầu giữa nước này với Armenia liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
“Các nhà hòa giải trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh [cố gắng] không giải quyết vấn đề mà muốn đóng băng nó”, ông Aliyev tuyên bố, lập luận rằng Baku bác bỏ những nỗ lực nhằm “làm chúng tôi mệt mỏi bằng những cuộc đàm phán vô nghĩa”.
Vào năm 2020, Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công quân sự thành công, chiếm lại Nagorny-Karabakh, một khu vực ly khai bên trong biên giới được quốc tế công nhận của Azerbaijan nhưng đã bị người dân tộc Armenia kiểm soát kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Cuộc xung đột đó đã kết thúc với một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, nhưng căng thẳng đang gia tăng và nhiều người lo ngại về một cuộc giao tranh toàn diện bùng phát trở lại.
Markus Ritter, người đứng đầu phái đoàn EU, nói với tờ Deutsche Welle (Đức): “Nhiều người Armenia cho rằng sẽ có một cuộc tấn công vào mùa xuân của Azerbaijan. Nếu điều này không xảy ra, nhiệm vụ của chúng tôi (phái bộ EU) coi như đã thành công”.
Vài ngày trước, các phương tiện truyền thông nhà nước của Azerbaijan đã cáo buộc phái bộ của EU thực sự đang “kích động Azerbaijan vào một cuộc chiến tranh mới” và “EU phải chịu trách nhiệm” cho bất kỳ cuộc xung đột mới nào.
“Azerbaijan và Nga về cơ bản đang cùng một quan điểm, rằng sứ mệnh của EU là một hoạt động tình báo quân sự dưới vỏ bọc giám sát”, quan chức EU trên thừa nhận.
Về phần mình, Vaqif Sadıqov, người đứng đầu phái đoàn của Azerbaijan tại EU, nói với Politico rằng sự hiện diện của phái bộ EU gần biên giới với Azerbaijan đang khiến Baku lo lắng.
“Đây là vấn đề song phương giữa Armenia và EU, nhưng phái bộ EU lại xuất hiện cách các đồn biên phòng của chúng tôi vài trăm mét và trong một môi trường quân sự hóa cao, nơi chúng tôi có lính biên phòng Nga, lính biên phòng Armenia, các đơn vị chính quy của Nga, các đơn vị chính quy của Armenia và gần biên giới Iran, có quân đội Iran. Vì vậy, chúng tôi có các câu hỏi chính đáng về an ninh", ông Sadıqov nói, cảnh báo phái bộ của EU có thể được coi là một nỗ lực của Brussels nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực.
Ngoài ra, Baku cũng đang phản ứng giận dữ sau khi Nghị viện châu Âu tháng trước ủng hộ một báo cáo “lên án hành động tấn công quân sự quy mô lớn mới nhất của Azerbaijan vào tháng 9”, cáo buộc nước này phá hoại tiến trình hòa bình và “nhấn mạnh sự sẵn sàng của EU để tham gia tích cực hơn trong việc giải quyết các cuộc xung đột kéo dài của khu vực”.
Nghị quyết được Cơ quan Đối ngoại EU biểu quyết thông qua, lập luận rằng “sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của Azerbaijan vẫn còn rất tiêu cực và cần phải được cải thiện trước khi EU tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chính trị và năng lượng với nước này”.
Đáp lại, Ủy ban quan hệ quốc tế của Quốc hội Azerbaijan cáo buộc nghị quyết trên của EU là không thể chấp nhận được.
Tom de Waal, một thành viên cao cấp tại tổ chức tư vấn Quỹ Carnegie châu Âu, cho biết Brussels vẫn đang nuôi hy vọng có thể làm trung gian cho một giải pháp ngoại giao trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Nhưng ông Waal cảnh báo nỗ lực đó có nguy cơ thất bại khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi trừng phạt Azerbaijan từ các nước phương Tây. Điều này đặc biệt có thể gây rắc rối cho nỗ lực của EU trong việc sử dụng Azerbaijan như một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch của Nga.