Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu chung tái cơ cấu ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành công thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân hằng năm khoảng 11,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2030 đạt khoảng 22%. Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1 - 1,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh bình quân 8 - 9%/năm.

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện như:

Tái cơ cấu ngành công nghiệp: Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Tái cơ cấu ngành năng lượng: Phát triên đa dạng hóa các loại hình năng lượng bảo đảm cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, an toàn tin cậy và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở năng lượng đồng bộ, hiện đại, xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; đảm bảo cân đối cung - cầu điện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào vận hành các dự án điện trên địa bàn tỉnh. Huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp đầu tư phát triển ngành năng lượng. Triển khai có hiệu quả các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 7% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thường.

Tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu: Tập trung ưu tiên phát triển các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của tỉnh như: nông lâm sản, khoáng sản... gắn với đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, quy mô sản phẩm xuất khẩu, phát triển thêm các sản phẩm xuất khẩu mới, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng. Tăng cường và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của tỉnh; thúc đẩy phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, ổn định, bền vững; chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới và hệ thống phân phối nước ngoài.

Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, xuất nhập khẩu, từng bước xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa theo kế hoạch. Tăng cường quản lý nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với các cam kêt quốc tế; kiếm soát có hiệu quả gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế; ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được.

Tái cơ cấu thị trường trong nước: Khuyến khích phát triển thị trường đối với các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử,...để kích cầu và mở rộng quy mô thị trường. Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong tỉnh đồng bộ, hiện đại. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới thương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung, cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Thực hiện quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù họp với thông lệ quốc tế. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu. Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng. Phấn đấu doanh số thương mại điện tử B2C tăng 20 %/năm và chiếm tỷ trọng ngày càng cao so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

Hội nhập kinh tế quốc tế: Triển khai hội nhập kinh tế quốc tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đấy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp lợi thế như: năng lượng, chế biến khoáng sản, luyện kim, chế biến sâu nông lâm sản, sản phẩm xuất khẩu. Tích cực tham gia và tận dụng hiệu quả các khuôn khổ họp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên như WTO, ASEAN, ASEM, APEC, họp tác tiểu vùng sông Mê Kông.

Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Gắn kết hội nhập với thực thi định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững.

Dựa trên kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ke-hoach-thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nganh-cong-thuong-giai-doan-den-nam-2030-tren-dia-ban-tinh-3166931.html