Kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW về 'Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản'

Ngày 24/4, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch số 474-KH/BTGTW về Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về 'Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản'. Tạp chí trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.

Căn cứ Chương trình công tác trọng tâm năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 42-CT/TW), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đánh giá toàn diện, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW qua 20 năm, gắn với việc thực hiện những nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực xuất bản của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản; kịp thời làm rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản trong giai đoạn mới.

2. Thông qua việc tổng kết, tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương; các cơ quan chủ quản xuất bản; các nhà xuất bản; người làm xuất bản cả nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực xuất bản phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, đời sống tinh thần của nhân dân.

3. Trên cơ sở kết quả tổng kết, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo, tham mưu, đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ đạo mới đối với việc tiếp tục “nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất bản phát huy vai trò trong giai đoạn mới.

4. Việc tổng kết phải được tiến hành nghiêm túc, bài bản, thực chất, tiết kiệm, bảo đảm tiến độ thời gian; nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả; đề ra các giải pháp, nhiệm vụ thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT

Đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW gắn với việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực xuất bản, tập trung vào một số nội dung sau:

- Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW:

+ Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

+ Kết quả 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW bao gồm: Kết quả đạt được (đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong Chỉ thị số 42-CT/TW); hạn chế, khuyết điểm (đánh giá đúng thực chất, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW).

- Bài học kinh nghiệm.

- Dự báo tình hình; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp.

- Kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực xuất bản trong thời gian tới.

(Có Đề cương báo cáo gửi kèm)

III. CÁCH THỨC SƠ KẾT

1. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tiến hành khảo sát, đánh giá tại một số cơ quan ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị; tổ chức một số hội thảo, tọa đàm xin ý kiến chuyên gia về dự thảo Báo cáo tổng kết.

2. Các tỉnh ủy, thành ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan chủ quản xuất bản; các nhà xuất bản tiến hành tổng kết với hình thức phù hợp điều kiện cụ thể của đơn vị, gửi báo cáo về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 30/6/2024 (qua Vụ Báo chí - Xuất bản).

3. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản và các cơ quan liên quan; kết quả khảo sát, tọa đàm, hội thảo, Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Tờ trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo; góp ý của các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện, trình Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Tháng 4/2024

- Ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo sơ kết.

2. Tháng 4/2024 - tháng 8/2024

- Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

- Tổ chức kiểm tra, khảo sát kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, các ban, bộ, ngành liên quan.

- Hoàn thành việc tổng kết ở các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; gửi báo cáo về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 30/6/2024.

3. Tháng 9/2024 - tháng 11/2024

- Tổ Biên tập hoàn thiện dự thảo các văn bản Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; xin ý kiến các cơ quan liên quan.

- Tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

- Báo cáo Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.

4. Tháng 12/2024: Hoàn thiện các sản phẩm Đề án, báo cáo Ban Bí thư.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trao đổi

a. Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm đảm bảo tính tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa và đa dạng, hấp dẫn của ấn phẩm xuất bản”

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan thực hiện: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Tháng 6, năm 2024.

- Nội dung: Đánh giá toàn diện, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm; kịp thời phát hiện những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản phẩm trong bối cảnh hiện nay.

b. Hội thảo khoa học “Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, phát triển toàn diện, vững chắc”

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Tháng 6, năm 2024.

- Nội dung: Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành xuất bản; tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách xây dựng tiềm lực và năng lực của hoạt động xuất bản; nâng cao hiệu quả kinh tế của xuất bản, in và phát hành, xây dựng các mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại: thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản - báo chí, nghiên cứu hoàn chỉnh mô hình doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất bản.

c. Hội thảo khoa học “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng nền xuất bản phát triển lành mạnh trong bối cảnh hiện nay”

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan thực hiện: Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Tháng 7, năm 2024.

- Nội dung: Đánh giá, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức.

d. Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.

- Cơ quan chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan thực hiện: Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Tháng 7, năm 2024.

- Nội dung: Đánh giá nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; đề xuất, kiến nghị giải pháp xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản, đảm bảo về quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, các tác giả, cộng tác viên trong cả ba khâu xuất bản, in và phát hành.

e. Các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động xuất bản; xu hướng phát triển xuất bản hiện đại; xây dựng đội ngũ những người làm xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

- Cơ quan thực hiện: Các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện cho phù hợp.

- Nội dung: Thực tiễn triển khai Chỉ thị 42-CT/TW; những vấn đề đặt ra đối với xuất bản hiện nay; dự báo xu hướng phát triển của xuất bản và những phương hướng, tầm nhìn, giải pháp để xuất bản cách mạng ngày càng “tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa”.

- Thời gian thực hiện: Trước tháng 8, năm 2024 (Tùy theo tình hình thực tiễn tại cơ quan chủ quản, nhà xuất bản).

2. Xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách

a. Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các cơ quan liên quan.

- Thời gian thực hiện: Tháng 8, năm 2024.

- Nội dung: Kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị mới đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

b. Tổng kết việc thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản 2012

- Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam; các cơ quan liên quan.

- Thời gian: Năm 2024.

- Nội dung: Tổng kết việc thi hành Luật, những kết quả nổi bật, bài học kinh nghiệm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi Luật; kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật đáp ứng yêu cầu phát triển của xuất bản hiện đại.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Vụ Báo chí - Xuất bản là đơn vị thường trực tham mưu giúp lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai các nội dung của Đề án sơ kết:

+ Tham mưu thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án sơ kết; xây dựng Kế hoạch, triển khai các hoạt động tổng kết.

+ Tham mưu hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; tổng hợp, phân tích báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan chủ quản xuất bản; các nhà xuất bản.

+ Tham mưu lãnh đạo Ban chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW và các văn bản báo cáo Ban Bí thư.

+ Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền kết quả sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; chú trọng tuyên truyền những kết quả nổi bật, những kinh nghiệm và những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

- Vụ Tổ chức - Cán bộ chịu trách nhiệm tham mưu lãnh đạo Ban ban hành các Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập.

- Văn phòng phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản dự toán và đảm bảo kinh phí thực hiện việc triển khai Đề án tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW.

2. Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập

- Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi và giám sát quá trình tổ chức triển khai Kế hoạch.

- Tổ Biên tập chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.

3. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn; Hội xuất bản Việt Nam; các cơ quan chủ quản xuất bản; các nhà xuất bản và các cơ quan có liên quan căn cứ Kế hoạch chỉ đạo và tiến hành tổng kết; xây dựng Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 30/6/2024 (qua Vụ Báo chí - Xuất bản).

4. Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tổng kết và báo cáo tiến độ thực hiện.

VII. KINH PHÍ

- Kinh phí triển khai thực hiện Đề án tổng kết ở Trung ương: các đơn vị tham mưu thực hiện theo chế độ hiện hành.

- Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao chủ động bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm; đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền bố trí bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn sự nghiệp) và tăng cường xã hội hóa để tổ chức các hoạt động tổng kết theo Kế hoạch. Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn; Hội Xuất bản Việt Nam; các cơ quan chủ quản xuất bản; các nhà xuất bản, đơn vị in, phát hành sách xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ và kịp thời báo cáo kết quả về Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư theo quy định./.

Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/ke-hoach-tong-ket-20-nam-thuc-hien-chi-thi-so-42-ct-tw-ve-nang-cao-chat-luong-toan-dien-cua-hoat-dong-xuat-ban-154361