Kế hoạch trị giá 260.000 tỷ đồng của du lịch TP.HCM
Ngành du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón 10 triệu khách quốc tế, thu 260.000 tỷ đồng trong năm 2025, với loạt chiến lược mới sau sáp nhập cùng Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuyến metro số 1 mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách khi đến TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
Sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu từ 1/7, TP.HCM bước vào giai đoạn phát triển mới, mở rộng cả không gian, dân số lẫn tiềm năng du lịch. Với quy mô gần 6.800 km2 và hơn 14 triệu dân, thành phố đặt mục tiêu đón 8,5-10 triệu lượt khách quốc tế, thu về 260.000 tỷ đồng từ du lịch trong năm nay.
Dù tham vọng, con số này không xa vời. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ chuỗi sự kiện và lễ hôịn, thành phố đón gần 3,9 triệu lượt khách quốc tế (tăng 44% so với cùng kỳ), khách nội địa đạt hơn 18 triệu lượt. Doanh thu du lịch chạm mốc 117.900 tỷ đồng, tương đương 45,4% kế hoạch cả năm.
Sau sáp nhập, thành phố mới hiện có tới 681 tài nguyên du lịch tiềm năng, trải dài từ di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, nhà tù Côn Đảo đến hệ thống bảo tồn thiên nhiên ở Cần Giờ, Bình Châu - Phước Bửu. Thêm vào đó là chuỗi dịch vụ nghỉ dưỡng, golf, casino, làng nghề và cả du lịch công nghiệp.
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng cũng là điểm cộng lớn. Các tuyến cao tốc, đường vành đai, cảng biển và sân bay tạo ra mạng lưới giao thông liên vùng thuận tiện. Đặc biệt, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ là cú hích lớn cho du lịch quốc tế.




Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu loạt địa điểm thu hút khách, từ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, nhà tù Côn Đảo, nhiều bãi tắm đẹp cùng nguồn hải sản phong phú. Ảnh: Linh Huỳnh, Quỳnh Danh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết thành phố đang triển khai loạt giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Trước hết là điều chỉnh Đề án phát triển du lịch đến năm 2030, xác định rõ tầm nhìn, thị trường trọng điểm và định vị lại thương hiệu du lịch TP.HCM theo hướng liên vùng, hiện đại và đa trải nghiệm.
Tài nguyên sẽ được khảo sát lại, tái cấu trúc sản phẩm theo từng nhóm đặc trưng - từ biển, sinh thái, lịch sử cho đến công nghiệp và đêm. Thành phố cũng lên kế hoạch đơn giản hóa thủ tục đầu tư, nhất là với các dự án phát triển du lịch đường thủy - loại hình vốn hấp dẫn nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Các chiến dịch quảng bá sẽ tập trung vào thị trường nội địa có sức chi tiêu cao như Hà Nội, Đồng bằng sông Cửu Long, và quốc tế là những nơi đã có kết nối hàng không, được miễn thị thực hoặc có tốc độ tăng trưởng khách ổn định. Thành phố cũng chủ động đăng cai các sự kiện lớn để tạo hiệu ứng lan tỏa.




Lễ hội Sông nước - sự kiện hấp dẫn bậc nhất của TP.HCM dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay. Ảnh: Linh Huỳnh.
Ở mảng sản phẩm, TP.HCM dự kiến ra mắt nền tảng du lịch 3D/360 độ đa ngôn ngữ, đồng thời nâng cấp chuỗi lễ hội như Hò Dô, Lễ hội sông nước, Lễ nguyên tiêu… Du lịch đêm sẽ được thúc đẩy qua các chương trình tham quan bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật kết hợp công - tư. Hệ thống thông tin du lịch cũng sẽ được số hóa qua các kênh như Cổng 1022, MultiGo nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Sau sáp nhập, TP.HCM không chỉ mở rộng không gian mà còn nắm trong tay cơ hội "vàng" để tái định hình ngành du lịch. Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng cả về lượng khách lẫn chất lượng dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng trọng điểm phía Nam.