Ngắm siêu đô thị TP.HCM mới sau sáp nhập: Không gian mở rộng, tầm nhìn bứt phá
Sau sáp nhập, TP.HCM mở rộng vượt bậc về quy mô và tầm vóc, kết nối chặt chẽ công nghiệp - cảng biển - tài chính - du lịch để trở thành siêu đô thị mạnh nhất cả nước.

Từ ngày 1/7, TP.HCM được hình thành trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành siêu đô thị đa trung tâm lớn nhất cả nước. Với diện tích tự nhiên hơn 6.722km2, dân số hơn 14 triệu người. "Đây không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics, đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới", theo Tổng Bí thư Tô Lâm.

Việc hợp nhất tạo thêm sức mạnh cộng hưởng, hình thành không gian kinh tế năng động, đa dạng và giàu tiềm lực. Tâm điểm là phường Sài Gòn - nơi đặt trụ sở UBND TP.HCM, quy tụ cao ốc chọc trời, dòng xe tấp nập và nhịp sống sôi động. Đây được xem là “trái tim” của đô thị đa trung tâm, hội tụ các hoạt động hành chính, tài chính và dịch vụ cao cấp bậc nhất cả nước.

Trung tâm TP.HCM không phát triển đơn lẻ mà gắn kết chặt chẽ với Thủ Thiêm - khu đô thị mới được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tại đây, nhiều công trình biểu tượng như Trung tâm tài chính, quảng trường, nhà hát, khách sạn cao cấp, công viên sáng tạo… đang dần hình thành, mang diện mạo của một đô thị hiện đại và hội nhập. Được kết nối trực tiếp với lõi trung tâm qua cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn, Thủ Thiêm không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn đóng vai trò như cánh tay nối dài, tiếp sức cho TP.HCM vươn tầm khu vực.

Trong khi đó, các cụm cảng và kho bãi trọng điểm như: Trường Thọ, Cát Lái, Hiệp Phước, Tân Cảng… luôn tấp nập hoạt động, đóng vai trò đầu mối logistics quan trọng cho khu vực phía Nam và cả nước. Mỗi ngày, hàng nghìn phương tiện vận tải ra vào liên tục, vận chuyển nông sản, linh kiện, hàng hóa công nghiệp phục vụ chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Ở phía Bắc, vùng đất Bình Dương cũ nay đã là một phần của TP.HCM cũng nổi bật với các khu công nghiệp quy mô như: VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước... Những khu công nghiệp này là động lực tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lao động và hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên một chuỗi sản xuất công nghiệp đa dạng, sôi động.

Vùng đất được mệnh danh là “đất lành chim đậu” này từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Giờ đây, khi chính thức là một phần của TP.HCM mở rộng, nơi này như “hổ mọc thêm cánh”, tiếp thêm động lực để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng tầm vị thế siêu đô thị đa trung tâm.

Cùng với đó, hàng loạt điểm nghẽn kết nối vùng sẽ sớm được tháo gỡ: Tuyến metro nối TP.HCM và Bình Dương, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng quốc lộ 13, đường Vành đai 3, 4… sẽ đưa các khu công nghiệp chất lượng cao đến gần hơn với cảng biển và các trung tâm logistics lớn, tạo ra những “đại lộ phát triển” cho tương lai.

Phía Đông Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ mang đến cho TP.HCM mới một lợi thế chiến lược hiếm có: Biển xanh, cảng nước sâu, năng lượng và du lịch. Đây là cửa ngõ ra biển Đông, nơi tập trung hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, có khả năng đón tàu trọng tải lớn và đóng vai trò then chốt trong chuỗi logistics khu vực và toàn cầu.


Không chỉ mạnh về kinh tế cảng biển, Vũng Tàu còn là trung tâm công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo và là một trong những điểm đến du lịch biển hấp dẫn bậc nhất miền Nam. Với bờ biển dài, hạ tầng nghỉ dưỡng phát triển và nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, Vũng Tàu góp phần hoàn chỉnh cấu trúc đa trung tâm của TP.HCM, kết nối giữa đô thị, cảng biển, công nghiệp và du lịch trong một chỉnh thể hài hòa.

Từ công nghiệp - cảng biển, tài chính - thương mại đến du lịch - sinh thái, TP.HCM mới là sự kết nối hài hòa giữa các thế mạnh, là hình mẫu điển hình cho mô hình đô thị vùng. Hiện nay, giao thông kết nối giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (cũ) cũng đang được triển khai quyết liệt, nhằm đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng và dòng chảy hàng hóa - dịch vụ giữa các khu vực.

Các tuyến cao tốc trọng điểm như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… đang được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ. Song song đó, đường Vành đai 3, Vành đai 4, quốc lộ 13 mở rộng và các tuyến đường liên kết trục công nghiệp - cảng biển được kỳ vọng sẽ gỡ điểm nghẽn, tạo xung lực phát triển mới.

Đặc biệt, mạng lưới metro trong tương lai sẽ là trụ cột kết nối đô thị bền vững. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành, trở thành phương tiện giao thông công cộng nổi bật của TP.HCM trong nửa năm qua. TP.HCM cũng xác định loại hình vận tải này sẽ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh các địa phương về cùng một nhà. Hiện, tuyến metro TP.HCM - Bình Dương cũ đang được nghiên cứu với chiều dài 32,4km.

Có thể thấy, TP.HCM mới không chỉ là sự mở rộng địa giới hành chính hay cộng gộp dân số, mà là bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển đô thị. Với sự cộng hưởng của các thế mạnh từ công nghiệp, cảng biển, tài chính, thương mại đến du lịch sinh thái và đổi mới sáng tạo... siêu đô thị đa trung tâm này sẽ từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế năng động, hiện đại và hội nhập bậc nhất khu vực, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho toàn vùng Đông Nam Bộ và cả nước.