Kế hoạch và dự báo phát triển nguồn nhân lực là điểm yếu và thiếu của Việt Nam
Việc tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới không phải là điều quá khó, một khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp.
Ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc phát triển nguồn Nhân lực Bang Massachusetts (Mỹ) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kinh nghiệm quản lý hệ thống trường nghề của Mỹ và cái nhìn về mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc Nhà nước chủ trương sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và các vấn đề liên quan hiện nay?
Ông Trần Đức Cảnh: Giáo dục và giáo dục nghề nghiệp là những phần cốt lõi trọng trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cấp quốc gia, vùng hay địa phương, cần phải được cấu trúc hợp lý thì mới mong mang lại hiệu quả.
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định cho việc phát triển kinh tế ở mọi quốc gia, riêng Việt Nam thì gần như nguồn lực duy nhất còn lại để có thể phát triển đất nước trong nhiều thập niên tới.
Có ba vấn đề tôi muốn nêu ở đây:
Một, tại các nước phát triển, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực vô cùng quan trọng cho nền kinh tế, được xây dựng từ nhiều năm và có thể điều chỉnh từng giai đoạn. Các nghiên cứu, báo cáo và dự báo về phát triển chung hay từng lĩnh vực ngành nghề giúp các trường, cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch cho riêng mình.
Kế hoạch và dự báo phát triển nguồn nhân lực là điểm yếu và thiếu của Việt Nam, thiếu sự chủ động và tính nhất quán trong việc phát triển thị trường lao động và theo hướng hội nhập.
Hai, cấu trúc và vận hành giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đang bị lủng củng, chồng chéo, kém hiệu quả cần phải được sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Điển hình là loại hình trường cao đẳng, tuy có phân cấp chương trình, nhưng phải là một phần của hệ giáo dục đại học thay vì phân theo hệ nghề.
Ba, hệ và chương trình đào tạo nghề có thể từ 3 tháng cho đến 2 năm, đào tạo từ trình độ cấp I đến tốt nghiệp trung học phổ thông, song song với việc tổ chức phân luồng sau trung học cơ sở theo hệ trung học nghề. Một khi đã phân định rõ thì cấu trúc từng loại chương trình sẽ không còn bị lúng túng.
Còn việc sắp xếp chương trình thì trong Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã làm rõ. Tôi nghĩ cái khung khá rộng và linh hoạt để cho các cơ sở trường hoạt động thể hiện thông qua:
“Hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, với các loại hình cơ sở đa dạng, đủ quy mô, năng lực đào tạo nghề theo hướng ứng dụng, thực hành; cải thiện chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, nâng cao năng suất lao động; tuân theo quy luật cung - cầu một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu về nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”.
Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành đã lên các kế hoạch phân bố lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bằng cách sáp nhập lại. Điển hình nhất là Quảng Nam sáp nhập 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Đúng là, quy hoạch mạng lưới được xem như yếu tố 'sống còn' cho hệ thống trường nghề nhưng một số ý kiến cho rằng, việc làm này cần tuân theo lộ trình, tránh gấp gáp, nóng vội. Ông nghĩ sao về việc này?
Ông Trần Đức Cảnh: Theo tôi thì việc tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới không phải là điều quá khó, một khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp cho công việc đào tạo.
Bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình đào tạo. Phần còn lại là tổ chức quản lý hiệu quả.
Còn cụ thể thế nào thì mỗi địa phương tự sắp xếp nguồn lực và thời gian thực hiện, không nên quá máy móc các chương trình đào tạo nghề.
Quan trọng là xây dựng trách nhiệm, gồm trách nhiệm giải trình, và tính minh bạch trong cơ sở trường nghề.
Riêng trường hợp Quảng Nam, theo tôi hiểu thì tỉnh đã có chủ trương sáp nhập 6 cơ sở trường cao đẳng, trung cấp nghề của tỉnh về một mối là trường Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật. Mục đích có thể là giảm chi phí quản lý, tăng tính linh động, đa dạng và hiệu quả cho các chương trình đào tạo, điều này tôi cho là hợp lý.
Tuy nhiên, quan điểm tôi thì cao đẳng vẫn phải là một phần của hệ đại học, ngoại trừ cơ quan Bộ tạo ra một hệ cao đẳng nghề riêng, không liên thông lên đại học.
Ông có nghĩ rằng, có phải do nhiều năm qua, sự chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan trung ương theo kiểu bộ chủ quản với địa phương và vùng dẫn đến việc nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao ở hệ thống trường nghề không?
Ông Trần Đức Cảnh: Riêng về hệ thống trường nghề, tôi cho là các cơ quan trách nhiệm quá chậm trong việc chuyển đổi, thiếu linh động trong việc xây dựng các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng như cầu nhân lực cho xã hội và doanh nghiệp. Đến khi thay đổi thì có thể bị “nóng vội” hay lạc hướng.
Tôi hy vọng là Quyết định phân bổ và xây dựng lại mạng lưới trường nghề vừa giúp chấn chính lại hệ thống đồng thời mở ra hướng mới cho các trường nghề phát triển trong thời gian tới.
Theo thống kê thì cả nước hiện nay có 1.900 trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm đào tạo nghề. Trung bình mỗi tỉnh thành có 30 trường (nếu lấy cao đẳng ra thì còn 23,8 trường). Ngoại trừ hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số trường nghề các tỉnh và thành phố còn lại không quá lớn hay quá khó để địa phương không thể sắp xếp và quản lý hiệu quả.
Còn hệ thống trường nghề tư thục thì tự họ quản lý và chịu trách nhiệm cho hoạt động. Trường tư thì thường họ nhạy bén và thực tiễn với cung và cầu của thị trường trường lao động cũng như các ngành nghề cần.
Rõ ràng, việc quy hoạch sẽ liên quan đến sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật của xác lập các tiêu chuẩn, dự báo nhu cầu, sắp xếp lại hệ thống mà còn là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích, sự xung đột văn hóa tổ chức, niềm tin và các quan niệm về giá trị giữa các cơ sở đào tạo khi sáp nhập, cũng như sự cần thiết thống nhất ý chí, hành động từ trung ương đến địa phương. Vậy ông có kiến nghị gì để tránh quy hoạch mang tính áp đặt mà không có lý do chính đáng?
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi cho sự sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là cần thiết. Trong quá trình chuyển đổi thì ít nhiều cũng sẽ có sự xung đột về tư duy, cách nhìn, văn hóa tổ chức và không loại trừ quyền lợi nhóm. Quan trọng là những nhà quản lý và cổ đông xã hội (stakeholder) nhìn được mục đích và hướng đi, như vậy mới thuyết phục xã hội được.
Quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp nên theo hướng mở và lấy hiệu quả đào tạo làm mục tiêu. Sự tham gia và hợp tác của doanh nghiệp địa phương cho loại hình trường nghề từ khâu thiết kế chương trình đến tiêu chí và chất lượng đào tạo cho từng loại ngành ghề là vô cùng cần thiết.
Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phát triển công nghệ trong giai đoạn mới, các chương trình giáo dục và đào tạo ngày nay cần đa dạng, linh hoạt và phong phú hơn mới thu hút được người học và mang lại hiêụ̣ quả.
Một số trường tiểu học ở Mỹ đã dạy công nghệ ứng dụng chứ không đợi đến tốt nghiệp cấp 2 hay cấp 3. Các công ty lớn đã có chương trình riêng hay liên kết đào tạo ứng dụng cho sinh viên ngay tại công ty. Mô hình học và thực tập (Co-op) ở các đại học Mỹ rất mạnh nay cũng chuyển sang mô hình “thực tập mới” sáng tạo và hiệu quả hơn.
Mỗi cấp học và chương trình đều có tiêu chí và chuẩn yêu cầu riêng, tuy nhiên mỗi khung chương trình phải đủ rộng và linh hoạt để các cơ sở trường phát triển.