"Kẻ hủy diệt" BMPT-3 được Nga tập trung số lượng lớn tới sát biên giới Ukraine ngay từ giữa tháng 2/2022 để chuẩn bị cho chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì chúng lùi lại chứ không được tung lên tuyến đầu để chiến đấu với đối phương.
Những chiếc BMPT-3 của Nga chỉ được nhìn thấy trên lãnh thổ Ukraine vào giữa tháng 5/2022, thời điểm lực lượng tăng thiết giáp Nga gặp một số thiệt hại.
Được biết "kẻ hủy diệt" BMPT-3 được Nga đưa vào biên chế với số lượng lớn năm 2021.
BMPT-3 được phát triển và hoàn thiện từ hai phiên bản BMPT-72 và BMPT-1 trước đó.
Trước đó phiên bản BMPT-3 phát triển vào năm 2013, được thử lửa tại chiến trường Syria trong giai đoạn 2014-2019.
Trước nữa, Nga bắt đầu phát triển phiên bản BMPT thế hệ 1 vào năm 1995. Biến thể này sử dụng khung gầm xe tăng T-90.
Đến phiên bản BMPT thứ hai hay còn gọi là BMPT-72 được phát triển vào thập đầu thập niên 2010 đã tận dụng khung gầm của xe tăng T-72 nhẹ hơn.
Ở phiên bản này đã loại bỏ súng phóng lựu phóng loạt và trang bị cụm vũ khí với thiết bị điều khiển hỏa lực hiện đại.
Biến thể này tuy được thiết kế gọn gàng, đẹp mắt nhưng lại tỏ ra mong manh trước các hỏa lực chống tăng do giáp T-72 yếu hơn hẳn T-90. Và tất nhiên chúng lại bị đánh giá là mang ý nghĩa phô trương là chính.
Sau khi cân nhắc các nhà chế tạo vũ khí Nga đã quyết định kết hợp hai phiên bản trước để tạo ra phiên bản BMPT thế hệ thứ 3 với sức mạnh và ưu điểm vượt trội.
Nhìn vào hình dáng có thể nhận thấy phiên bản BMPT thế hệ thứ ba đã tái sử dụng thân xe tăng T-90 của BMPT thế hệ thứ nhất với giáp dày, còn thiết bị vũ khí lại lấy từ phiên bản BMPT thế hệ thứ 2.
BMPT-3 được biên chế đến 4 tên lửa "Ataka-T" ("Sturm-SM"), hai pháo tự động 30 mm, súng máy 7,62 mm, hai súng phóng lựu tự động 30 mm.
Với tên lửa chống tăng Ataka-T, gần như mọi phương tiện bọc thép sẽ bị loại khỏi vòng chiến nếu như trúng phát bắn này.
Hai khẩu pháo tự động 2А42 có cơ số đạn lên tới 850 viên, cho phép bắn hạ tất cả các mục tiêu trên các độ cao khác nhau, bao gồm cả phương tiện bay, các hỏa điểm bắn tỉa và chống tăng trên đường phố.
Súng máy đồng trục có thể nạp đạn tự động, cơ số đạn 2.100 viên được điều khiển bằng hệ thống điện tử hiện đại tiên tiến có thể bắt bám mục tiêu.
Hai khẩu súng phóng lựu AGS-30 có thể tạo ra màn hỏa lực hủy diệt bộ binh đối phương trên diện rộng.
Thân xe nặng tới 44 tấn được trang bị giáp phản ứng nổ có khả năng chống lại những tên lửa chống tăng có điều khiển hiện đại hơn tên lửa chống tăng TOW-2A.
Ở phiên bản này, Nga quyết định trang bị động cơ công suất động cơ 1130 mã lực, có thể chạy với tốc độ đến 70 km/h. Dự trữ hành trình 700 km.
BMPT-3 trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với kênh quang ảnh nhiệt và hệ thống giám sát mục tiêu tự động.
Điều này cho phép có thể tác chiến hiệu quả với các tay súng khủng bố, ẩn nấp trong các tòa nhà, lô cốt, hầm ngầm, di chuyển bộ.
Theo đánh giá chung, một xe BMPT-3 có thể tác chiến tương tự 1 trung đội bộ binh hoặc 3 xe BMP, hơn thế nữa, hỏa lực của xe còn cho phép tiêu diệt cả máy bay không người lái.
Rõ ràng sau kinh nghiệm phát triển hai biến thể BMPT, người Nga đã cho ra đời thế hệ BMPT thứ 3 với khả năng hủy diệt đáng nể.
Tuy nhiên đánh giá hiệu quả cuối cùng vẫn còn phụ thuộc vào tình hình thực chiến trên chiến trường.
Nga đã cho BMPT-3 tham chiến sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra được 2 tháng tại Ukraine.
Tuy vậy cho tới nay dòng khí tài này vẫn rất nhạt nhòa, chưa tạo được hiệu suất như mong đợi, ngay cả khi tác chiến trong đô thị, vốn là môi trường được nhắm tới khi thiết kế dòng vũ khí này.
Cuộc xung đột tại Ukraine cho thấy nhiều dòng vũ khí Nga đã tác chiến vượt cả mong đợi đặc biệt là các loại tên lửa hành trình, nhưng bên cạnh đó cũng có khá nhiều chủng loại vũ khí thuộc biên chế lục quân đã không thể hiện được hiệu năng như kỳ vọng.
Việt Hùng