Kẻ khủng bố thành người kiến tạo hòa bình
Từ một kẻ chuyên chế tạo bom khủng bố trở thành người nỗ lực hết mình vì hòa bình thật sự là câu chuyện khó tin đối với bất kỳ ai. Nhưng đó là những gì mà Ali Fauzi đã trải qua. Cuộc đời anh từng phạm rất nhiều sai lầm. Vì vậy, anh hy vọng có thể giúp những người lầm đường, lỡ bước như mình tìm thấy được hướng đi đúng đắn.
"Tẩy não"
“Tôi là chuyên gia chế tạo bom. Tôi có thể chế tạo một quả bom chỉ trong 5 phút”. Đó là lời mở đầu câu chuyện của Ali Fauzi, một thành viên chủ chốt của Jemaah Islamiyah (JI)-nhóm khủng bố có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda, từng thực hiện vụ đánh bom khủng bố tồi tệ nhất tại Bali, Indonesia năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Các anh trai của Ali Fauzi là những kẻ đã đặt bom ở khu du lịch trên đảo Bali năm đó.
Ngoài vụ tấn công kể trên, nhóm JI còn nổi tiếng với hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu tại Indonesia. Đó là những vụ tấn công các khách sạn lớn và đại sứ quán các quốc gia phương Tây. Ngôi làng Tenggulun tại Lamongan, Đông Java, Indonesia-nơi gia đình Ali Fauzi sinh sống-là căn cứ của nhóm khủng bố. Ngay từ khi còn nhỏ, Ali Fauzi và các anh trai đã được xem những video về các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Bosnia và Palestine, được tiêm nhiễm những tư tưởng cực đoan và đầy bạo lực. Chính điều này góp phần thúc đẩy họ tham gia vào các nhóm thánh chiến. “Chúng tôi đã xem những video về các cuộc tấn công tàn bạo vào dân thường. Tôi muốn thực hiện các vụ tấn công đáp trả để bảo vệ người Hồi giáo”, Ali Fauzi chia sẻ.
Sau đó, các anh của Ali Fauzi tham gia hoạt động khủng bố ở Afghanistan, trong khi ông cùng những chiến binh thánh chiến Hồi giáo tham gia các vụ tấn công ở miền Nam Philippines. “Tôi đã nguyện chết ở đó. Tôi lúc nào cũng tưởng tượng về cái chết của mình. Chúng tôi được tiêm vào đầu suy nghĩ là nếu chết sẽ được lên thiên đàng và được gặp các thiên thần. Ngày nào cố vấn của chúng tôi cũng nhắc ra rả về điều này”, Ali Fauzi kể lại.
Bước ngoặt
Khi các anh của Ali Fauzi trở về từ Afghanistan, họ đã thực hành những gì học được ở nước ngoài. Tháng 10-2002, họ nằm trong nhóm khủng bố đã kích nổ hai quả bom đặt tại các câu lạc bộ đêm ở khu vực Kuta của Bali, hòn đảo nổi tiếng với khách du lịch quốc tế. "Tôi đã xem vụ nổ trên ti vi và tôi bị sốc, có rất nhiều xác chết. Sau đó, cảnh sát lập tức lần ra chúng tôi”, Ali Fauzi nói. Hai anh của Ali Fauzi là Ali Ghufron và Amrozi đã bị xử tử, trong khi người anh thứ ba-Ali Imron-lĩnh án tù chung thân.
Ali Fauzi khẳng định ông không liên quan đến vụ đánh bom ở Bali, nhưng ông vẫn phải ngồi tù 3 năm vì các tội danh liên quan đến những hành động khủng bố khác. Đó là lúc cuộc sống của Ali Fauzi rẽ theo một hướng khác. "Cảnh sát đối xử với tôi rất nhân đạo. Tôi từng ghét cảnh sát. Chúng tôi đều nghĩ họ là quỷ dữ. Đó là những gì chúng tôi được dạy. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Suy nghĩ của tôi đã dần thay đổi. Sau đó, tôi gặp các nạn nhân của vụ đánh bom tại Bali. Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy họ. Trái tim tôi như bị bóp nát khi chứng kiến những vết thương khủng khiếp mà vụ nổ bom gây ra cho họ. Đó là điều khiến tôi thực sự muốn thay đổi từ một cỗ máy giết người trở thành một chiến binh vì hòa bình”, Ali chia sẻ.
Giờ đây, nhiệm vụ của Ali Fauzi không còn là chế tạo bom, mà là giúp đỡ những phiến quân khủng bố rời bỏ cuộc sống lầm lỡ trước kia, đồng thời ngăn chặn các nhóm cực đoan tuyển quân tham gia những làn sóng khủng bố mới tại khu vực Đông Nam Á. Việc vào trại giam để tiếp xúc, trò chuyện với các tù nhân khủng bố trở thành chuyện cơm bữa với Ali Fauzi. Từ bài học mà chính bản thân đã rút ra, Ali đứng trên lập trường người cùng hoàn cảnh để chia sẻ với họ, hướng họ tới con đường đúng đắn. Thế nhưng, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Nói đúng hơn, đây luôn là một nhiệm vụ nguy hiểm chết người. Ali Fauzi thường xuyên phải đối mặt với những lời đe dọa và các cuộc gọi, tin nhắn phỉ báng, quấy rối. Thậm chí ông còn bị một số tù nhân coi là kẻ phản bội. Nhưng rõ ràng những điều đó chẳng khiến ông sợ hãi hay chùn bước. Bởi ông biết những gì mình đang làm là đúng.
Tâm sự của những người trong cuộc
Năm 2016, Ali Fauzi thành lập Circle of Peace với mong muốn dẫn dắt mọi người thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan. Dự án này luôn đem tới các cuộc tiếp xúc vô cùng đặc biệt giữa nạn nhân và kẻ khủng bố. Trong một sự kiện gần đây nhất tổ chức ở làng Tenggulun, hai nạn nhân của vụ nổ bom Bali đã được mời tới để kể câu chuyện về cuộc đời họ, những nỗi đau họ đã phải gánh chịu sau vụ khủng bố đẫm máu. Trên màn hình sân khấu là một đoạn video cho thấy hậu quả của các vụ đánh bom ở Indonesia. Những khán giả ngồi dưới lắng nghe có cả những người từng ngồi tù vì tội khủng bố.
Zulia Mahendra, 33 tuổi, con trai của Amrozi-một trong hai tên khủng bố đã bị xử tử vì thực hiện vụ đánh bom Bali, cũng ngồi đó. Sau khi kết thúc sự kiện, anh tiến lên bắt tay và ôm các nạn nhân, đồng thời gửi lời xin lỗi họ. Thực tế, Zulia Mahendra cũng là một trong những người đã trải qua sự biến đổi đáng kinh ngạc. Khi cha anh-tên khủng bố có biệt danh “sát thủ mỉm cười” Amrozi-bị bắt và bị kết án tử hình, Zulia Mahendra chỉ là một thiếu niên chưa hiểu chuyện. Nỗi đau mất cha khiến anh nung nấu ý định trả thù. “Tôi cũng muốn học cách chế tạo bom. Nhưng thời gian trôi qua, dưới sự khuyên bảo từ các chú tôi-Ali Fauzi và Ali Imron-tôi đã nhận ra đó là điều sai trái. Và tôi đã tham gia dự án của họ để giúp những kẻ khủng bố khác thay đổi”, Zulia Mahendra thú nhận.
Dự án Circle of Peace đạt được khá nhiều thành công. Trong số 98 người nhóm của Ali Fauzi đã tiếp xúc kể từ năm 2016 chỉ có hai người quay trở lại con đường khủng bố. Tuy nhiên, theo như Ali Fauzi chia sẻ, quá trình phi cực đoan hóa không hề dễ dàng mà cần có thời gian và phải được thực hiện từng bước. "Đây là cuộc chiến dai dẳng. Với nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của cộng đồng, tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng", Ali Fauzi nói.