Kẻ lừa đảo 'nằm vùng' trên các trang đặt phòng

Khi có khách đến một cơ sở lưu trú ở vùng Sunshine Coast (Úc) và nói rằng đã đặt phòng, chủ cơ sở Katie và Rob không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Khách nói họ đặt phòng qua Booking.com, nhưng Katie và Rob chẳng hề đăng gì trên trang này cả. Tất cả phòng đều có người ở. Vậy là khách bị lừa lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng và không có chỗ qua đêm.

Katie kể lại: “Chúng tôi chứng kiến họ khóc vì quá đau khổ. Chúng tôi thấy bất lực khi có người đến và tin rằng họ là khách của cơ sở, nhưng thực tế lại không phải. Điều chúng tôi có thể làm là cố gắng giải thích đồng thời khuyên họ đổi thẻ tín dụng”.

Chỉ trong tháng 7, cơ sở này gặp phải 4 trường hợp bị lừa. Katie và Rob tin rằng thông tin, hình ảnh phòng của mình bị kẻ lừa đảo sao chép toàn bộ từ Airbnb. Hai người từng đăng trên đây nhưng hơn 1 năm trước đã hủy bỏ.

Giả mạo cơ sở lưu trú

Hiệp hội người tiêu dùng Úc CHOICE cảnh báo việc giả mạo cơ sở lưu trú là một trong nhiều cách mà kẻ lừa đảo sử dụng với người đặt phòng trực tuyến trên loạt nền tảng như Booking.com hay Airbnb. Giáo sư Cassandra Cross (Đại học Công nghệ Queensland) cho biết cách thức lừa đảo như vậy đạt tỷ lệ thành công cao vì đặt phòng trực tuyến vô cùng phổ biến.

“Kẻ lừa đảo biết chúng ta sẽ đặt phòng trên các nền tảng rồi nhập thông tin cá nhân, thẻ tín dụng. Vì vậy nạn giả mạo cơ sở lưu trú diễn ra tràn lan và khá hiệu quả”, theo bà Cross.

Năm ngoái, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) nhận đến 363 trình báo lừa đảo liên quan đến việc đặt khách sạn, tổng số tiền thiệt hại là hơn 337.000 USD - tăng gần 600% so với năm 2022 (53 vụ).

Các nền tảng có thuật toán phát hiện bài đăng đáng nghi, nhưng số lượng đăng thông tin quá lớn. Bà Cross chỉ ra: “Chẳng có gì ngăn được tội phạm tạo hoặc sao chép bài đăng sang trang khác, khiến trò lừa đảo này rất khó xác định. Khả năng tội phạm sao chép và tạo bài đăng giả mạo lớn hơn khả năng xóa chúng”.

Katie và Rob không có tài khoản đăng ký trên Booking.com nên rất khó trình báo thông tin giả mạo. Họ gửi thư điện tử đến bộ phận truyền thông đồng thời gọi cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nền tảng đến 6 lần, mỗi lần lại gặp một người khác nhau.

Thông tin giả mạo tồn tại trong khoảng một tuần trước khi bị xóa, nhưng Booking.com chưa xác nhận. Chủ cơ sở kiểm tra hàng ngày để đảm bảo không thông tin giả mạo nào khác xuất hiện.

Theo bà Cross, kẻ lừa đảo biết mọi người gặp khó khăn trong liên hệ với các nền tảng. Phía Booking.com lấy làm tiếc về phản ánh bị lừa, đồng thời tuyên bố nền tảng luôn ưu tiên bảo đảm an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Trang liên tục tối ưu hóa biện pháp bảo mật, thực hiện quy trình xác minh cơ sở lưu trú vô cùng nghiêm túc, nếu ghi nhận dấu hiệu đáng nghi sẽ lập tức điều tra và xóa bài đăng.

Cố vấn chính sách CHOICE Alex Söderlund yêu cầu các nền tảng hành động nhiều hơn nữa, ngoài ra nhà nước cũng nên thúc đẩy họ hành động.

Một nữ du khách Úc từng bị lừa lúc đặt phòng cho tuần trăng mật của mình tại Philippines. Cô may mắn phát hiện trước lúc bay sang nhờ nhắn tin cho chủ cơ sở lưu trú trên một nền tảng khác hỏi vì sao họ không trả lời trên Booking.com.

Là khách hàng thân thiết của Booking.com, nữ du khách liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng phàn nàn. Cô nhận lại toàn bộ tiền đặt trước nhưng thất vọng do thông tin giả mạo không bị xóa ngay lập tức. Câu chuyện của cô khi chia sẻ trên mạng xã hội lập tức nhận về nhiều bình luận cho biết họ cũng là nạn nhân.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ke-lua-dao-nam-vung-tren-cac-trang-dat-phong-222949.html