'Kẻ nổi loạn' mở đường cho việc trao quyền bầu cử của phụ nữ
'Một người phụ nữ vĩ đại đã mất nhưng tên bà sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng cho phụ nữ New Zealand, những người đã phải chịu đựng nhiều bất công trong quá khứ'. Đó là câu nói được đọc tại lễ tang của bà Katherine Sheppard (1847 - 1934). Bà là người có công đưa New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền bầu cử cho phụ nữ vào năm 1893.
Những cải cách đi ngược thời đại
Kate Seppard sinh ngày 10/3/1847 tại Liverpool (Anh quốc). Tên đầy đủ là Katherine Wilson Sheppard nhưng ngay từ nhỏ, bà đã thích dùng tên Kate hơn Katherine. Sinh ra trong một gia đình có học thức, bà được giáo dục đầy đủ và là một nữ sinh nổi tiếng thông minh. Bà cùng gia đình di cư tới New Zealand năm 1868.
Là một nhà hoạt động nữ quyền, bà tin rằng phụ nữ nên tham gia đầy đủ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả chính trị. Trong số những hoạt động đầu tiên bà hướng đến là cải cách trang phục của phụ nữ, chủ yếu là bãi bỏ áo nịt ngực và các loại quần áo bó buộc khác. Trong thời đại mà phụ nữ được khuyến khích trở nên điệu đà, bà nhấn mạnh thông điệp khuyến khích các hoạt động thể chất cho phụ nữ.
Vốn là một thành viên năng nổ trong Hiệp hội Phụ nữ của nhà thờ, năm 1885, Kate Sheppard trở thành người đồng sáng lập của Liên đoàn Phụ nữ Công giáo New Zealand, một tổ chức chính trị hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Trong vai trò của một lãnh đạo Liên đoàn, bà đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bầu cử của phụ nữ. Bà đã dành nhiều công sức để viết dự thảo luật và một cuốn sách về quyền bầu cử của phụ nữ. Bà cũng rất tích cực trong việc vận động hành lang và tổ chức các cuộc gặp mặt với thành viên Quốc hội New Zealand. Kate Seppard vừa cố gắng thiết lập các mối quan hệ với giới chính trị gia, vừa tổ chức các cuộc mít-tinh công khai, chuyển tải các kiến nghị thông qua báo chí. Bà làm việc ở tờ Ruy-băng trắng, tờ báo đầu tiên do phụ nữ điều hành tại New Zealand. Bà viết những cuốn sách nhỏ nhưng hữu ích vì đã đề cập chính xác đến các vấn đề trọng tâm như: "Phụ nữ có nên bỏ phiếu?" hay "Mười lý do tại sao phụ nữ New Zealand nên (được trao quyền) bỏ phiếu".
Những nỗ lực bền bỉ này đã kéo dài suốt 2 thập kỷ. Từ năm 1887, Thủ hiến của New Zealand là Julius Vogel đã cân nhắc việc thông qua một dự luật cho phép phụ nữ được hưởng quyền bầu cử. Song nó không thuyết phục được các nghị viện và cơ quan có thẩm quyền cấp trên. Tuy vậy, động thái này cũng đã mở ra một thời kỳ hoạt động sôi nổi của phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ tại New Zealand. Các nhà hoạt động đã liên tiếp đệ trình những đơn kiến nghị lên Nghị viện. Vào năm 1891, đơn kiến nghị được tiếp sức với 9.000 chữ ký. Năm 1892, con số này tăng lên hơn hai lần, đạt khoảng 20.000 chữ ký. Đến năm 1893, số người chấp thuận ký vào đơn kiến nghị đã lên tới 30.000. Nhờ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng, đơn kiến nghị đã tiếp cận được Nghị viện, để rồi một luật Tuyển cử mới được Hạ viện New Zealand thông qua với đa số đồng thuận. Quyền bầu cử cho phụ nữ gốc Âu lẫn phụ nữ gốc Maori bản địa đều được ủng hộ qua những cuộc tranh luận trên chính trường.
Sau nhiều "sóng gió", ngày 8/9/1893, dự luật được Thượng viện New Zealand thông qua với 20 phiếu thuận/18 phiếu chống – một khoảng cách rất sít sao. Đến ngày 19/9/1893, Đạo luật tuyển cử New Zealand 1893 đã được ký ban hành, trao quyền bầu cử cho toàn thể phụ nữ New Zealand.
Không nản lòng trước những châm biếm
Sau bước khởi đầu này, New Zealand luôn trong nhóm những quốc gia thực hiện bình đẳng giới rộng rãi nhất hành tinh, đặc biệt là về mặt chính trị. Thành công của Kate Sheppard đã trở thành động lực cho các cuộc đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh như Anh và Mỹ.
Năm 1896, Sheppard đã thành lập Hội đồng Phụ nữ Quốc gia (NCW) và trở thành Chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Trong số các vấn đề mà bà ủng hộ có bình đẳng hơn trong hôn nhân và quyền của phụ nữ ứng cử vào Quốc hội. Mặc dù sức khỏe yếu khiến bà phải từ chức Chủ tịch NCW vào năm 1903 nhưng bà vẫn là một nhân vật nổi bật trong phong trào đấu tranh vì quyền phụ nữ.
Trong những thập niên cuối đời, Kate Sheppard không nghỉ hưu hoàn toàn mà vẫn làm những việc có thể cho quyền lợi của phụ nữ. Trong giai đoạn này, bà đã đi nhiều nơi, viết vô số bài báo và tổ chức hàng chục cuộc gặp gỡ báo giới với sự tận tâm hiếm có. Kate Seppard qua đời ngày 13/7/1934 tại Christchurch, New Zealand. Suốt cuộc đời, bà đã không nản lòng trước mọi sự châm biếm, mỉa mai mà những khuôn phép từ xã hội cũ áp đặt lên cuộc đấu tranh của bà cùng các cộng sự. Bà xác định một mục tiêu cụ thể trong nhiều vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ: Quyền bầu cử. Bà hiểu rằng chính trị là yếu tố định hướng cho mọi lĩnh vực của đời sống. Chỉ khi có quyền về chính trị thông qua bầu cử, phụ nữ mới có thể giành được các quyền lợi khác.
Trong một xã hội mà thân phận phụ nữ bị coi thường, hoạt động đấu tranh cho quyền lợi chính trị của phụ nữ đã khiến bà bị coi như một "kẻ nổi loạn". Nghị sĩ Henry Wright từng mỉa mai bà: "Hãy về nhà trông lũ trẻ, nấu ăn cho chồng, giặt là quần áo và thực hiện những bổn phận mà tự nhiên đã dành cho phụ nữ. Họ nên từ bỏ ý tưởng can thiệp vào những việc chỉ dành cho đàn ông". Dù vậy, các trở ngại dường như chỉ khiến Kate Sheppard nỗ lực hơn gấp bội. Bà đã chứng minh chân lý lịch sử: Con người có thể làm nên điều phi thường bằng ý chí của mình. Kate Sheppard được báo The New Zealand Herald coi là 1 trong 10 người New Zealand vĩ đại nhất vì những cống hiến của bà cho việc giành quyền bình đẳng về chính trị cho phụ nữ New Zealand. Hình ảnh của bà được xuất hiện trên tờ tiền 10 đô la New Zealand để mọi người dân có thể nhớ đến bà.