Kẻ trộm dải phân cách ở đường dẫn cao tốc TP.HCM-Dầu Giây sẽ phải đối mặt mức phạt ra sao?
Nhiều ý kiến thắc mắc hành vi trộm dải phân cách và gây mất an toàn giao thông có thể bị xử lý ra sao?
Theo thông tin vụ việc, vào ngày 7-11, Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) đang tạm giữ một người đàn ông chạy xe máy chở ống, trụ dải phân cách bằng thép vừa tháo được trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, khoảng 30 trụ và 65 ống bị trộm, đoạn dải phân cách bị mất nhiều nhất khoảng 10m. Ở những vị trí dải phân cách bị mất, đầu vít nhô lên lởm chởm, đe dọa an toàn giao thông cho người lái xe qua khu vực này.
Nhiều ý kiến thắc mắc hành vi trộm dải phân cách và gây mất an toàn giao thông có thể bị xử lý ra sao?
Trao đổi với PLO, luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích theo các quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét dấu hiệu hình sự và người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về một trong các tội phạm sau:
Tội cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS)
"Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị/giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được"- LS Mạch cho hay.
Cũng theo LS, để xử lý về tội phạm này, tài sản bị hư hỏng (ống, trụ dải phân cách) phải có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng người đàn ông vi phạm phải thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
"Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức hình phạt đối với tội phạm này là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm"- LS phân tích.
Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS)
Theo LS, tội trộm cắp tài sản được thể hiện bởi hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác để thu lợi bất chính từ giá trị tài sản đó mang lại. Lén lút chiếm đoạt tài sản ở được thực hiện dựa trên việc lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của cá nhân, tổ chức quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan nhằm tiếp cận để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, để xử lý về tội phạm này, tài sản bị trộm cắp (ống, trụ dải phân cách) phải có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng người đàn ông vi phạm phải thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
"Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức hình phạt đối với tội phạm này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng"- LS nói.
Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 BLHS)
Cũng theo LS, trong vụ việc này, người đàn ông đã có hành vi tháo dỡ, di chuyển trái phép các ống, trụ dải phân cách - là hành vi khách quan của tội phạm này. Tuy nhiên, để xử lý về tội phạm này thì phải xảy ra một trong các hậu quả sau:
+ Làm chết người.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức hình phạt đối với tội phạm này là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.
Đối với Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 BLHS):
Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 126/2008, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là công trình đòi hỏi phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật, và phải có đủ các tiêu chí sau đây:
- Là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia:
+ Công trình quốc phòng, an ninh quan trọng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc hoặc trực tiếp tác động đến sự tồn tại của chế độ.
+ Công trình văn hóa, thông tin - truyền thông nếu bị phá hoại hoặc bị lợi dụng làm phương tiện thông tin, tuyên truyền chống lại chính quyền nhà nước sẽ trực tiếp tác động đến tư tưởng người dân, đến sự tồn tại của chế độ.
+ Công trình có sử dụng công nghệ hạt nhân (lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, nhà máy điện hạt nhân), công trình đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, giao thông, đê điều, điện lực, thủy lợi, xây dựng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, gây thảm họa đối với đời sống con người, môi trường sinh thái.
- Là nơi tập trung lưu giữ, bảo quản nhiều hồ sơ tài liệu, mẫu vật, hiện vật thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có giá trị đặc biệt quan trọng về chính trị - ngoại giao, văn hóa - lịch sử, kinh tế, khoa học - kỹ thuật; nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
- Là nơi bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái.
- Công trình khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 144/TANDTC-KHXX ngày 20-8-2009, Mục 2 Công văn số 99/TANDTC-KHXX ngày 1-7-2009 của Tòa án nhân dân tối cao, trong trường hợp chưa được quy định trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì chỉ được coi là “công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 126/2008 ngày 11-12-2008.
Để kết luận Điều tra, ra bản cáo trạng về tội phạm này thì Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị đưa công trình vào danh Mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia kết luận là công trình đó có đủ tiêu chí xác định công trình thuộc danh Mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hay không.
"Nếu kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan thẩm định hồ sơ là công trình đó có đủ tiêu chí của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì truy cứu TNHS về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Ngược lại kết luận là công trình đó không đủ tiêu chí của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì truy cứu TNHS về tội phạm tương ứng"- LS Mạch đặt vấn đề.
Từ những phân tích trên, LS cho rằng dãy phân cách cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định 126/2008. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng chưa có Quyết định công nhận cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, theo Công văn hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao nêu trên, trong quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét.
"Theo đó, nếu có kết luận cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì sẽ truy cứu TNHS về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Điều 303 của BLHS. Ngược lại, nếu kết luận cao tốc này không đủ tiêu chí của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm theo phân tích tại mục 1, 2, 3 nêu trên"- LS nói.
Cũng theo LS, trong trường hợp không đủ căn cứ truy cứu TNHS, người đàn ông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định 100/2019, người có hành vi phá dỡ trái phép dải phân cách thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Đồng thời còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.