Kẻ xâm hại trẻ em 'ra tay' ở nơi vắng vẻ, Cơ quan điều tra vẫn đòi phải có người làm chứng

Các vụ việc xâm hại trẻ em thường xảy ra ở nơi khuất nẻo, vắng vẻ, nhưng do áp lực sợ oan sai nên nhiều vụ việc, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vẫn đòi hỏi phải có người làm chứng.

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, trong giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh minh họa

Báo cáo một số nội dung kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chỉ ra một thực trạng khá phổ biến là: Các vụ việc xâm hại trẻ em thường không có người làm chứng, nhưng do áp lực sợ oan sai nên nhiều vụ việc, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đòi hỏi phải có người chứng kiến trực tiếp. Điều này là không phù hợp với thực tế, dẫn đến vụ việc kéo dài hoặc không khởi tố được.

Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế thời gian qua, đó là, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trong một số vụ việc còn chưa kịp thời, chưa chính xác, bỏ lọt tội phạm, một số vụ vi phạm thủ tục tố tụng, chưa bảo đảm điều tra thân thiện với trẻ em.

Đáng chú ý là trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ở giai đoạn đầu, một số vụ việc, cán bộ công an tuyến cơ sở còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên thu thập tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, không bảo đảm điều tra thân thiện với trẻ em.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nhiều, nhất là tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi tiếp tục gia tăng. Bốn tháng đầu năm 2020, số vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi tăng 29,84% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 61,22% tổng số vụ hiếp dâm, gây bức xúc trong xã hội. Xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.

Một số trường hợp để lộ thông tin của trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, làm trẻ em bị tổn thương trong quá trình xác minh, điều tra; thậm chí có trường hợp Công an cấp xã tổ chức hòa giải giữa người tố giác và đối tượng bị tố giác về những vụ việc xâm hại trẻ em mà theo quy định thì loại việc đó không được hòa giải, dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong việc xử lý sau đó.

Có những vụ việc chậm khởi tố do ngại trách nhiệm đến khi dư luận phản ứng mới tích cực xử lý; một số vụ việc khởi tố về tội nhẹ hơn tội đối tượng đã thực hiện gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, tại một số địa phương có tình trạng nhiều vụ án phải tạm đình chỉ điều tra với lý do chưa xác định được bị can hoặc chưa biết bị can đang ở đâu, trong đó có những vụ sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể sẽ phải đình chỉ điều tra và không xử lý được đối tượng phạm tội.

Qua nghiên cứu một số vụ án, Đoàn giám sát kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân xem xét lại một số vụ án nhằm bảo đảm xử lý đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ Công an cũng cho rằng, đây là vấn đề cần được tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, khắc phục có hiệu quả.

Về phía Bộ Công an, sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp tấn công trấn áp tội phạm, giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chuyên đề; trọng tâm trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ke-xam-hai-tre-em-ra-tay-o-noi-vang-ve-co-quan-dieu-tra-van-doi-phai-co-nguoi-lam-chung-post79193.html