Kén khí phổi dễ gây suy hô hấp, 7 bước chăm sóc đúng để phòng bệnh

Kén khí phổi ban đầu có kích thước nhỏ thường không gây nên triệu chứng gì. Tuy nhiên theo thời gian kích thước kén khí lớn dần, chèn ép và gây nên đau ngực, ho, khó thở…, nặng hơn là vỡ kén khí gây tràn khí màng, suy hô hấp và có thể tử vong.

Nguyên nhân gây kén khí phổi

Bệnh kén khí phổi là bệnh khá phổ biến của đường hô hấp. Bệnh cần được phát hiện sớm để có kế hoạch chủ động theo dõi, kiểm soát và điều trị, nếu không, bệnh sẽ diễn tiến nặng dần theo thời gian và sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, tuy nhiên với nguyên nhân nào thì cũng cần có thời gian đủ để hình thành nên kén khí. Các nhà nghiên cứu ghi nhận thấy, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh khí phế thũng và hình thành kén khí. Kể cả những người hút thuốc lá thụ động.

Vấn đề nhiễm trùng hô hấp dưới, hen phế quản… cũng có thể gây kén khí phổi. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là bụi silic, bụi than, các loại bụi này sẽ làm tổn thương phế quản, phế nang, gây chít hẹp... dẫn đến kén khí phổi.

Hình ảnh phẫu thuật nội soi cắt kén khí phổi.

Hình ảnh phẫu thuật nội soi cắt kén khí phổi.

Việc hình thành kén khí có thể từ từ theo thời gian, tuy nhiên đối với biến chứng của kén khí thì rất đột ngột và vô cùng nguy hiểm cho người bệnh, trong đó có thể gây chèn ép đau ngực, khó thở, ho, sốt, thậm chí nhiễm trùng huyết và nặng hơn là vỡ kén khí gây tràn khí màng, suy hô hấp và có thể tử vong.

Chăm sóc đường hô hấp đúng để phòng bệnh kén khí phổi

Việc loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh đã trở thành một quan điểm căn bản trong dự phòng đối với bệnh này, tiếp đó là việc chăm sóc cho sức khỏe nói chung và hệ hô hấp của chúng ta nói riêng.

Phải giảm dần hút thuốc lá, thuốc lào tiến đến bỏ hẳn, nên nhớ kể cả việc hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng nên cần tránh xa khói thuốc lá.
Cần cải thiện môi trường sống xung quanh mình, vệ sinh tốt, tránh khói bụi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung.
Cần thay đổi nội dung hoặc địa điểm làm việc khi phát hiện thấy có vấn đề về sức khỏe liên quan đến môi trường làm việc hay bản chất của công việc.
Cần khám sức khỏe định kỳ, chú ý khám về hệ hô hấp, khi phát hiện có bệnh lý về hô hấp thì phải điều trị triệt để, dứt điểm… và có kế hoạch theo dõi dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ở những người có tiền sử kén khí phổi: Khi có triệu chứng đau ngực, ho hoặc khó thở thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí.
Những người làm những công việc đặc biệt như những phi công, thợ lặn, thủy thủ, ngư phủ, vận động viên nhảy dù, những người ở những nơi cách xa với cơ sở y tế… cần phải khám kỹ về hô hấp ở những nơi có chuyên khoa lồng ngực để xác định có mắc bệnh kén khí hay không, nếu có thì nên xử trí để đề phòng biến chứng.
Cần có cuộc sống lành mạnh, tích cực, thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, bổ sung thực phẩm một cách khoa học, hợp lý và đều đặn để nâng cao sức đề kháng.

Tóm lại: Hệ hô hấp của chúng ta là được ví như một cái cây xanh tươi, liên tục cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho thể chất và tâm hồn, nó phối hợp vận hành theo quy luật diệu kỳ để duy trì sự sống. Vì thế hãy quan tâm chăm sóc đường hô hấp, hãy hít thở thật sâu và thật chậm để cảm nhận được cái tinh túy từ đất trời mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

BS. Dương Chí Lực

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ken-khi-phoi-de-gay-suy-ho-hap-7-buoc-cham-soc-dung-de-phong-benh-16923031609210021.htm