Kèn Pí Lè: Tiếng gọi mùa xuân của người Dao

Cùng với Trống Nêm, Chũm Chọe, Chiêng, Kèn Pí lè là nhạc cụ quan trọng trong đời sống văn hóa của người Dao, là âm thanh của núi rừng, tiếng gọi mùa xuân của đồng bào Dao. Trong những dịp lễ, Tết, tiếng kèn được vang lên như để nhắc nhở con cháu Bàn Vương về việc gìn giữ bản sắc nguồn cội.

Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch, chúng tôi có dịp đến thôn Nà Liền, (xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) gặp ông Hoàng Nguyên Phẩm - nghệ nhân thổi kèn Pí Lè nức tiếng gần xa. Đã nhiều lần gặp ông trong các dịp lễ quan trọng như: Đám cưới, lễ cấp sắc, ma chay... của người Dao, nhưng đây là lần đầu trò chuyện cùng ông về tiếng kèn và những nhạc cụ của người Dao. Sau lời chào hỏi, chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng việc ông thổi một điệu cho nghe. Tiếng kèn lúc trầm bổng, lúc ngân cao tạo nên không khí rộn ràng. Tuy chưa hiểu hết về ý nghĩa của những âm thanh vang vọng ấy, nhưng tôi cũng cảm nhận được chút không khí xuân về.

Nghệ nhân Hoàng Nguyên Phẩm

Nghệ nhân Hoàng Nguyên Phẩm

Câu chuyện trở nên rộn ràng hơn khi có người trong bản cũng sang nghe. Ông Phẩm bảo, may mà mọi người đến vào mùa này thì mới có thể nghe tiếng kèn mọi lúc. Nếu đến không đúng dịp, có muốn tôi cũng không thể thổi cho nghe được.

Kèn Pí Lè được sử dụng thường xuyên trong đời sống tinh thần, nét văn hóa tâm linh của người Dao. Lễ cấp sắc, đám cưới hoặc ma chay, việc buồn... đều không thể không có tiếng Kèn Pí Lè. Và trong những dịp Tết đến, xuân về, sau khi công việc nhà nông đã xong xuôi, mọi người lại cùng nhau thưởng thức âm điệu trong trẻo của tiếng kèn.

Người Dao quan niệm, từ ngày 15/9 (năm trước) đến 1/3 âm lịch (năm sau) là khoảng thời gian tiếng kèn có thể vang lên. Trong thời gian này, người muốn học kèn hay người thổi kèn đều được. Khoảng thời gian còn lại, trừ những dịp có đám cưới, ma chay, cấp sắc thì kèn có thể vang còn không sẽ nghiêm cấm được thổi. Bởi đó là khoảng thời gian lúa trên nương chưa trổ bông, nếu tiếng kèn vang lên vía lúa sẽ theo về, lúa sẽ lép hạt và mất mùa. Đó là những điềm cấm kỵ mà người thổi kèn cũng nhưng mọi người đều phải biết. Do vậy, tiếng kèn chỉ được vang lên vào những dịp mùa xuân đến, nhất là dịp từ mồng 1 đến mồng 5 Tết, các nghệ nhân sẽ thổi những điệu kèn về mùa Xuân để mọi người quây quần bên bếp lửa cùng nhau thưởng thức. Cũng từ dịp này, các chàng trai trẻ yêu thích và có năng khiếu sẽ học những bước đầu tiên của nghề cần sự tâm huyết này.

Sinh năm 1976, 10 tuổi ông Hoàng Nguyên Phẩm đã biết thổi kèn và đam mê với những điệu kèn trong đám cưới, đám ma. Kỹ thuật quan trọng nhất với bất kỳ người nào mới thổi kèn là cách nín hơi, nhả hơi và giữ hơi. Người thổi kèn Pí Lè lấy hơi đằng mũi, đẩy ra đằng miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn. Khi biểu diễn, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn, để tạo ra âm thanh khác nhau, tạo nên những bản nhạc rất riêng của Kèn Pí Lè. Và điều quan trong cần ghi nhớ, phải tập thật tốt bài cúng tổ tiên. Đó là điều bắt buộc, cũng là để tỏ lòng kính trọng tổ tiên - một truyền thống của người Dao.

Sau khi nắm bắt được những điều cơ bản, ông Phẩm bắt đầu đi cùng anh trai học những điệu kèn dành riêng cho từng lễ, từng thời gian. Chẳng có sách vở ghi chép, cũng chẳng có ai dạy tỉ mỉ về những lúc lễ này thì thổi điệu này, mọi thứ đều tự ghi nhớ, học thuộc và thật chú ý lắng nghe. Phải mất hơn 20 năm, sau những lần đi làm người thổi phụ cho anh trai, ông Phẩm mới đủ tự tin để nhận làm người thổi chính.

Trang phục truyền thống của người Dao

Trang phục truyền thống của người Dao

Giờ đây, ông Phẩm đã là nghệ nhân có tiếng, nhiều người biết đến và mời ông thổi kèn trong những buổi lễ quan trọng. Ông thuộc được hết các điệu, nhớ lúc lễ nào, phần nào thì thổi bài nào một cách chuẩn xác, không sai một ly.

Khi chúng tôi thắc mắc, có nhiều người không phân biệt được đâu là điệu kèn dành cho đám ma và đám cưới dù đã nhiều lần được nghe. Ông Phẩm cười giải thích, Kèn Pí Lè có thể thổi được nhiều điệu khác nhau, như trong lễ cưới, chỉ cần khi cô dâu đến đã có các bài như: Đón nhà gái, đón cô dâu, tiễn nhà gái... Còn riêng phần Pái Toòng (Bái đường) đã có đến ba bài khác nhau (bái tổ tiên, bái cha mẹ, bái họ hàng và những người cao tuổi). Đó là sự phức tạp của những bài kèn. Trong đám cưới, tiếng kèn luôn là giai điệu vui tươi, rộn rã; còn đám tang thì nỉ non, buồn tẻ… Muốn phân biệt được, cần có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa của những buổi lễ đó. Nếu chỉ là những người nghe âm thanh thì rất khó giải thích được, vì tiếng kèn nghe qua thấy đơn điệu, nhưng người nào tìm hiểu kỹ mới thấy được hết những giá trị của nó.

Ghi chép của Triệu Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ken-pi-le-tieng-goi-mua-xuan-cua-nguoi-dao-152004.html