Kênh đào Suez bị tàu container Ever Given chặn, thương mại thế giới ách tắc nhiều tuần
Công ty trục vớt cho biết tàu container Ever Given khổng lồ đang bị kẹt tại kênh đào Suez có thể mất vài tuần để di dời, khiến tất cả các tàu đi vào kênh bị chặn lại kể từ ngày 25-3, một trở ngại mới đối với thương mại toàn cầu.
Tàu container Ever Given dài 400 m, cao gần bằng với tòa nhà Empire State, đang chặn quá trình vận chuyển cả hai chiều tại kênh dào Suez. Đây là con kênh bận rộn nhất thế giới, nối liền châu Á và châu Âu, nơi vận chuyển dầu, nhiên liệu tinh chế, ngũ cốc và các mặt hàng thương mại khác.
Theo hãng thông tấn Reuters, vào cuối ngày 25-3, các tàu cuốc vẫn đang làm việc để loại bỏ hàng ngàn tấn cát xung quanh mũi tàu.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) trước đó cho biết 9 tàu kéo đang hoạt động để di chuyển con tàu. Tàu này bị kẹt chéo trên đoạn đường phía Nam của con kênh vào sáng 23-3 trong bối cảnh gió lớn và bão bụi.
Ông Peter Berdowski, Giám đốc điều hành của công ty Hà Lan Boskalis, một trong hai đội cứu hộ đang cố gắng giải phóng con tàu, nói với chương trình truyền hình Hà Lan "Nieuwsuur": "Chúng tôi không thể loại trừ việc có thể mất vài tuần, tùy thuộc vào tình hình".
Theo dữ liệu theo dõi, tổng cộng có 206 tàu container lớn, tàu chở dầu- khí đốt và tàu chở hàng đã lùi lại ở hai đầu kênh, tạo ra một trong những vụ tắc đường tồi tệ nhất từng thấy trong nhiều năm.
Tập đoàn vận tải hàng hải số một thế giới AP Moller Maersk cho biết họ đang cân nhắc chuyển hướng các tàu đi quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi, tăng thêm 5-6 ngày cho hành trình giữa châu Á và châu Âu. Tập đoàn này cho biết hàng hóa nhạy cảm với thời gian có thể được gửi trên tàu hỏa và máy bay, mặc dù hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Ông Berdowski cho biết mũi tàu và đuôi tàu đã được nâng lên dựa vào hai bên của con kênh.
"Nó giống như một con cá voi khổng lồ đè nặng một trọng lượng rất lớn trên cát. Chúng tôi phải làm việc với sự kết hợp của việc giảm trọng lượng con tàu bằng cách loại bỏ các thùng chứa, dầu và nước".
Công việc nạo vét để loại bỏ 15.000-20.000 m3 cát xung quanh mũi tàu vẫn tiếp tục diễn ra vào tối 25-3, với sự phối hợp của nhóm nghiên cứu từ Công ty con Smit Salvage của Công ty Boskalis, SCA cho biết.
Chủ tàu Nhật Bản Shoei Kisen đã xin lỗi về sự cố và cho biết công việc giải phóng con tàu Ever Given đang từ Trung Quốc hướng đến châu Âu "vô cùng khó khăn" và không rõ khi nào con tàu sẽ nổi trở lại.
Thủy triều dâng cao hơn vào ngày 28-3 có thể giúp ích cho các nỗ lực cứu hộ.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Ai Cập cũng đang cảnh báo về "sự gián đoạn hàng hải" do một cơn bão biển dự kiến vào 27-3 và 28-3, với sức gió được dự báo lên tới 80 km/h (50 dặm/giờ) và sóng cao tới 6 m dọc theo Biển Đỏ và Vịnh Suez.
Hàng ngày, có khoảng 30% khối lượng container vận chuyển của thế giới đi qua kênh đào Suez dài 193 km. Chúng chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng hóa thương mại toàn cầu.
Công ty phân tích Vortexa cho biết Nga và Ả Rập Saudi là hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu qua kênh đào này, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc là những nhà nhập khẩu chính. Công ty tư vấn Kpler cho biết kênh đào chỉ chiếm 4,4% tổng lượng dầu nhưng sự gián đoạn kéo dài sẽ làm phức tạp thêm dòng chảy dầu của Nga và Caspi tới châu Á và dầu từ Trung Đông vào châu Âu.
Cho đến nay, tác động lên giá dầu đã được hạn chế vì điểm đến của hầu hết các tàu chở dầu là châu Âu, nơi nhu cầu đang yếu hơn do một đợt ngừng hoạt động mới.
Khoảng 16% lượng hóa chất nhập khẩu của Đức đến bằng tàu qua kênh đào Suez và nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội các nhà sản xuất hóa chất và dược phẩm Đức VCI, Henrik Meincke, cho biết họ sẽ bị ảnh hưởng do sự tắc nghẽn mỗi ngày.
Các nguồn tin trong ngành cho biết chủ sở hữu và các công ty bảo hiểm phải đối mặt với các khoản bồi thường lên tới hàng triệu USD, ngay cả khi con tàu được nhanh chóng giải tỏa. Tập đoàn cho thuê tàu Shoei Kisen cho biết công ty bảo hiểm thân tàu là Tập đoàn bảo hiểm MS & AD trong khi công ty bảo hiểm trách nhiệm là Câu lạc bộ P&I (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu) thuộc Anh.